Bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Phú Trọng

10:43 31/07/2014

Ngày 19/11/2004, đồng chí Nguyễn Phú Trọng - lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội (nay đồng chí là Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng), đã về thăm Trường Nguyễn Siêu - Những lời nói tâm huyết, đầy ý nghĩa của đồng chí còn đọng mãi trong ký ức của thầy và trò nhà trường.

 

TBT Nguyễn Phú Trọng thăm trường
TBT Nguyễn Phú Trọng và tập thể GV Trường Nguyễn Siêu năm 2004

“Tôi xin nhiệt liệt chúc mừng những cố gắng, những kết quả của thầy trò nhà trường, của các bậc phụ huynh học sinh liên tục trong 13 năm qua, trải biết bao thăng trầm; 8 lần thay đổi địa điểm, đi thuê khắp mọi nơi để hôm nay chúng ta có được một cơ sở ngồi với nhau như thế này.

Đấy là tôi muốn nói về cơ sở vật chất, nhưng đặc biệt là tôi chúc mừng cái hướng đi của trường Nguyễn Siêu là rất đúng. Từ chỗ chỉ có 5 lớp với 132 học sinh, bây giờ trường chúng ta đã có 51 lớp, 3 cấp, hơn 2000 học sinh, mà lại được học 2 buổi/ngày, hơn 80% là giáo viên cơ hữu, với một đội ngũ giáo viên kết hợp cả thế hệ già với thế hệ trẻ; hướng đào tạo chú trọng dạy toàn diện, chú trọng dạy đạo đức, dạy từ đường ăn nết ở, chứ không phải dạy cái gì cao xa. Cái đó là rất đúng, rất đúng hướng. Rồi ngay cách thay đổi tên gọi từ "em", "cháu" chuyển sang "con" cũng là một cái sáng tạo. Rồi dạy cho các cháu ăn ở như thế nào, hàng ngày đối xử với các cháu như thế nào, bằng những việc làm cụ thể để chúng ta giáo dục các cháu; rồi tổ chức xe đưa đón rất chu đáo... Chất lượng giáo dục của nhà trường từng bước cùng với quy mô ngày càng phát triển lên…

Nhà trường không phải chỉ có chú trọng dạy chữ, dạy người mà còn chăm lo cả thể lực, đào tạo cho các em cả về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Tôi biết trường Nguyễn Siêu có phong trào tốt. Các đồng chí đã tham gia rất nhiều hoạt động của Thành phố, đấy là hướng rất đúng…

Trường chúng ta đã xây dựng mối quan hệ rất tốt không những chỉ trong nội bộ…Các đồng chí lại xây dựng được mối quan hệ tốt giữa trường với Hội cha mẹ học sinh. Thực ra trước khi đến đây tôi đã được nghe báo cáo nhiều lần rồi, được tiếp xúc với các bác, các anh, các chị, các đồng chí và những đánh giá của các vị phụ huynh học sinh : Các em học sinh nhà ở rất xa mà cứ vẫn muốn về trường Nguyễn Siêu học. Đó là một điều khách quan, không phải nói hay là được, nếu không tốt thì người  ta cũng xin chào sớm; hay anh chị em giáo viên trẻ mới ra trường rất muốn gắn bó với trường Nguyễn Siêu - Đó là khách quan. Tôi phải nói là không phải trường nào cũng làm được như trường Nguyễn Siêu. Ngay việc tuyển giáo viên lúc đầu tôi cũng nghĩ chắc là các đồng chí tuyển những giáo viên lớn tuổi, nay đã về nghỉ, có nhiều kinh nghiệm dạy ở đây để tạo thêm thu nhập thì cũng là rất tốt, nhưng có một hướng rất hay là các đồng chí không chỉ tuyển những người cao tuổi, có nhiều kinh nghiệm, đồng thời còn tuyển các anh chị em sinh viên trẻ mới ra trường để đào tạo. Đây là một cách làm rất tốt, có sáng tạo.

Sau 13 năm, thầy Vĩnh, cô Thịnh và Ban giám hiệu nhà trường, các thầy cô giáo, các vị phụ huynh học sinh nên suy nghĩ tổng kết nếu chúng ta coi đây là mô hình tiên tiến ngoài công lập thì phải tổng kết vấn đề này sâu sắc. Vì sao Nguyễn Siêu làm được trong điều kiện khách quan như thế, xã hội như thế. Có phải chăng trước hết là tâm huyết, là muốn đóng góp xây dựng, muốn giáo dục một thế hệ để kế tục, xây dựng đất nước này ngày một to đẹp. Xem ra, nếu thầy Vĩnh, cô Thịnh và các thầy cô không có tâm huyết thì chắc là bỏ cuộc rồi. Vì thế cho nên phải tổng kết. Tất cả vì học sinh thân yêu. Việc chuyển gọi "em" thành "con" thôi để xây dựng tình cảm trong nhà trường, cái đó là tâm huyết. Nghèo như thế mà cố gắng thu xếp cho các cháu được học 2 buổi 1 ngày, được ăn uống rất chu đáo; biết cách tổ chức huy động lực lượng...

Vậy chúng ta thử suy nghĩ xem có phải chăng trước hết là tâm huyết của người thầy, là tấm lòng cao cả, vì sự nghiệp giáo dục đào tạo, vì sự nghiệp trồng người.

Chúng ta lại biết huy động sức mạnh của nhân dân, biết tổ chức lực lượng, biết vượt qua mọi khó khăn để xây dựng cơ sở vật chất, tìm mọi cách để có được cơ ngơi như thế này với một trách nhiệm mà Thầy Vĩnh và cô Thịnh rất mong muốn có một “danh hiệu Trường Nguyễn Siêu” mang tên danh nhân văn hoá Nguyễn Văn Siêu:  “Tả thanh thiên” ghi trên Tháp Bút bên Hồ Gươm. Cụ quê Thanh Trì - Hà Nội ta -“Văn như Siêu Quát...” nổi tiếng. Phải tâm huyết theo hướng ấy. Không phải không có những trường lập ra hình  như là để kinh doanh thì nó lại khác, chỉ cốt đối phó để thu lời, thu lãi. Tôi nói điều này mong các bác, các đồng chí suy nghĩ thật kỹ. Cái chỗ này nó sâu xa lắm, nó quý giá lắm, nó thiêng liêng lắm. Tất cả chúng ta đều vì sự nghiệp này thì sẽ có tất cả…

Tôi nghĩ, chúng ta làm được như thế này cũng là vẻ vang lắm. Trải qua bao nhiêu thăng trầm, mất bao nhiêu công sức mới có được. Chúng ta nâng niu, trân trọng, đánh giá cho đúng mức những cái chúng ta đã làm được để tự hào, phấn khởi, tiến lên. Nhưng một mặt khác, tôi cũng tâm sự: Chúng ta cũng không nên bằng lòng với những gì đã đạt được vì trước mắt chúng ta còn  nhiều khó khăn lắm. Phải luôn luôn không bằng lòng thì mới tiến lên được, còn cho là mình đã tuyệt vời rồi thì sẽ tụt lùi lúc nào không biết. Kinh nghiệm cuộc sống cho thấy nó sẽ có những mâu thuẫn khác nảy sinh ra, sẽ có khó khăn thử thách mới. Vậy thì mong Ban giám hiệu và các thầy cô chúng ta lường trước những cái đó để có một phương án lâu dài, có một định hướng phát triển nhà trường trên cơ sở quy hoạch chung, Thành phố rất ủng hộ các đồng chí.

Điều chúng tôi rất tha thiết, tâm đắc mong muốn là chúng ta phải phấn đấu giữ vững “danh hiệu trường Nguyễn Siêu”. Trường Nguyễn Siêu với danh hiệu Nguyễn Siêu là một …

Chúc các đồng chí phát huy truyền thống của nhà trường, đoàn kết, phấn đấu xây dựng trường ta mãi là “Trường Nguyễn Siêu” mang tên một danh nhân văn hóa của Hà Nội”.