“Bí kíp” giao tiếp hiệu quả với cha mẹ, thầy cô

16:22 29/10/2018

Chúng ta đều có thể dễ dàng đồng ý rằng cha mẹ, thầy cô là những người gần gũi, bảo bọc và thương yêu các con nhất, nhưng hai đầu yêu thương ấy lại không dễ gì tìm được tiếng nói chung.

Đó thực sự là điều không ai mong muốn. Chính vì vậy, các chuyên viên tâm lí của phòng Tư vấn Tâm lý học đường Nguyễn Siêu đã xây dựng chuỗi chương trình trải nghiệm tâm lí dành cho học sinh THCS & THPT nhằm giúp các bạn tìm hiểu và khám phá thật nhiều “bí kíp” giao tiếp với cha mẹ, thầy cô tốt nhất. 

Thông qua các trò chơi, qua những khoảng thời gian suy ngẫm về các câu hỏi liên quan được đặt ra, các bạn học sinh đã cùng tìm hiểu về thực trạng và nguyên nhân gây ra mâu thuẫn thường thấy giữa cha mẹ, thầy cô và các con; những mong muốn và khó khăn của cha mẹ, thầy cô cũng như của các bạn nhỏ.

Đó là bởi vì: 

+ Con muốn độc lập và tự giải quyết vấn đề của mình. Người lớn muốn bao bọc, quản lý và uốn nắn con theo những chuẩn mực của người lớn.
+ Con thường giao tiếp và chia sẻ phần lớn với bạn bè. Cha mẹ, thầy cô muốn là một người bạn của con nhưng không biết làm thế nào. 
+ Ở tuổi dậy thì, cảm xúc của con thất thường và khó kiểm soát hơn, các con nhạy cảm với những lời nói từ người lớn hơn. Người lớn không thực sự hiểu đặc điểm tâm lý này, lo lắng và càng muốn kiểm soát các con hơn. 
+ Người lớn không hiểu những ngôn ngữ “xì-tin” (teencode). 
+ Con thích giải trí bằng mạng xã hội, game, Internet,… Người lớn lo lắng, sợ ảnh hưởng đến những hoạt động quan trọng khác của các con (như học tập, ngủ nghỉ,…) 

Nhận diện những nguyên nhân rồi, các bạn được trải qua trò chơi vận động theo cặp đòi hỏi sự tương tác, thái độ tôn trọng, sẵn sàng lắng nghe và tin tưởng đối phương. Qua trò chơi này, các bạn tự rút ra được những lợi ích của việc giao tiếp hiệu quả.

Nhờ đó:

+ Cha mẹ, thầy cô hiểu hơn về cảm xúc, suy nghĩ của các con; nhận thấy con đã lớn hơn, bớt đi sự lo lắng cho các con. 
+ Cha mẹ, thầy cô sẽ trở thành người bạn của con: Lắng nghe, chia sẻ và hỗ trợ các con. 
+ Con có thể chứng minh cho người lớn thấy con đã trưởng thành hơn thông qua việc giao tiếp phù hợp. Khẳng định vị thế của bản thân một cách phù hợp (muốn người lớn không coi mình là trẻ con, sẽ giao tiếp bình đẳng, tôn trọng, thể hiện phù hợp để khẳng định mình đã lớn và cần được giao tiếp như vậy). 

Ở phần cuối của chương trình, các bạn được đặt mình vào những tình huống cho trước để đưa ra cách hành động và ứng xử phù hợp nhất, từ đó hình thành và phát triển kĩ năng giao tiếp hiệu quả với cha mẹ, thầy cô, bao gồm cả kĩ năng lắng nghe, kiểm soát cảm xúc và phản hồi trong từng tình huống cụ thể. Đây thực sự là một chương trình ý nghĩa và thiết thực cho tất cả các thành viên của gia đình lớn Nguyễn Siêu.