Kĩ năng sinh tồn nơi rừng sâu

08:51 31/07/2018

“Mỗi ngày là một thử thách, mỗi ngày là một chông gai”. Xem tivi, đọc truyện…, có vô số trường hợp các nhân vật bị lạc vào rừng sâu hay đảo hoang một cách bất ngờ, nhưng họ vẫn có thể sống sót một cách vi diệu. Vì sao? Đó chính là “kĩ năng sinh tồn”, lý do mà cuộc hành trình đến Bản Rõm ngày 23/7/2018 của học sinh khối 9 được tổ chức.

Khu du lịch sinh thái Bản Rõm là một khu rừng xanh mướt mát mẻ. Cây cối mát mẻ, hòa hợp với thiên nhiên là một đàn ong, chốc chốc lại bay đến làm quen với các bạn. Chỉ tiếc là các bạn không đón nhận được tấm lòng thân thiện ấy.

Gánh nước qua cầu là một trò chơi giúp hình thành ý thức kiếm nước và trữ nước.

Buổi sáng là những trò team-building bổ ích và lành mạnh. Không chỉ là trò chơi gắn kết mọi người, nó còn rút ra được một vài bài học quý giá như trò chơi đập bóng minh họa cho việc tạo ra lửa bằng cách đập những hòn đá vào nhau, hay gánh nước qua cầu chính là thực tế về việc kiếm nước và trữ nước… Tuy nhiên, những hoạt động thú vị hơn sẽ đến vào buổi chiều, khi mọi người được trải nghiệm và học hỏi những kĩ năng sinh tồn bằng chính bàn tay và khối óc của mình.

Lọc nước là kĩ năng vô cùng cần thiết để sinh tồn.

Kĩ năng đầu tiên là lọc nước. Đi trong rừng thì nguồn nước sạch rất khan hiếm, nên kiến thức lọc nước ngoài tự nhiên là rất quan trọng. Đầu tiên, hãy tìm cho mình một chiếc lon hay chai nước có đục lỗ dưới đáy. Theo từng tầng một, dưới đáy là một lớp bông y tế hay vải, bên trên là than hoạt tính và trên cùng là một lớp bùi nhùi (có thể tạo ra từ rơm rạ, cuống lá…). Cuối cùng, nước bẩn được đổ lên đó để lọc ra những giọt nước sạch có thể dùng được ngay.

Kĩ năng mà tôi ấn tượng nhất là nhóm lửa. Điều quan trọng là sắp xếp bùi nhùi và củi sao cho lửa có thể cháy lâu. Nếu không có diêm hoặc bật lửa, thì như tôi đã nói ở trên, phải tạo ra lửa bằng cách ma sát hai hòn đá vào nhau.

Tiếp đó là bài học về sơ cứu vết thương. Lúc chúng tôi đang nghe anh hướng dẫn viên giải thích vì sao cần phải biết sơ cứu thì có một chuyện bất ngờ xảy ra: một bạn bị ong đốt. Ngay sau đó, bạn ấy được đưa lên cáng cứu thương và chuyển đến cơ sở y tế gần nhất.

Tuy mệt nhưng cáng thương vẫn chạy tốt.

Mặc dù cuối buổi, mọi người đều mệt vì nắng và nóng, nhưng ai cũng vẫn hào hứng, bởi ý thức được rằng đây là những kĩ năng sinh tồn quan trọng mà không phải lúc nào cũng có dịp được học hỏi hay ôn luyện. Vả lại, “giữ tinh thần và tâm trạng thoải mái trong mọi trường hợp hiểm nguy”, thế đã là một kĩ năng thoát hiểm rồi.

Vũ Hà Phương (9IG1E0)