Tìm giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường

08:09 14/05/2019

Tại buổi tọa đàm trực tuyến vừa được tổ chức ngày 10/4 tại Hà Nội, các chuyên gia đến từ Bộ GDĐT, Bộ Tư pháp đã cùng nhau trả lời câu hỏi bạo lực học đường không phải là vấn đề mới, nhưng tại sao thời gian gần đây lại nổi lên như một vấn đề đáng quan ngại như vậy?

Không thể “khoán trắng” cho nhà trường

Nhận định về thực trạng bạo lực học đường ông Bùi Văn Linh- Phó Vụ trưởng phụ trách, Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GDĐT) cho biết, dù chúng ta đã có khá đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh về môi trường giáo dục an toàn và phòng, chống bạo lực học đường nói chung và các hành vi vi phạm pháp luật nói riêng như: Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017): Tội cố ý gây thương tích (Điều 134, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 22 của Luật sửa đổi, bổ sung năm 2017); Tội làm nhục người khác (Điều 155);  Luật Trẻ em năm 2016 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành…

Tuy nhiên tình trạng bạo lực học đường vẫn còn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nguyên nhân do đặc điểm tâm lý lứa tuổi học sinh đang trong giai đoạn phát triển mạnh về thể chất và tâm sinh lý, hiếu động và muốn tự khẳng định mình. Một số học sinh chưa được trang bị các kỹ năng sống cơ bản để thích nghi với sự biến đổi của đời sống xã hội. Những hành vi xấu xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống đã có tác động tiêu cực đến học sinh. Công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng còn thiếu hướng dẫn ứng xử trong những tình huống cụ thể, thiếu các điều kiện cần thiết để triển khai. 

Bên cạnh đó dù Bộ GDĐT đã quy định công tác tư vấn học đường, công tác xã hội trong trường học, nhưng các nhà trường triển khai còn chậm. Thêm nữa, có việc thiếu quan tâm, chưa sát sao trong giáo dục học sinh của gia đình. Thậm chí nhiều gia đình còn có tâm lý “khoán trắng” cho nhà trường. Nguyên tắc phối hợp giữa nhà trường - gia đình và xã hội mà chỉ thiếu một bên thì quá trình giáo dục toàn diện khó thành công.
 
Rà soát điều chỉnh khung pháp lý cho phù hợp

“Nghiên cứu các nước phát triển cho thấy tình trạng bạo lực học đường cũng rất nghiêm trọng, xảy ra thường xuyên với nhiều hình thức như bắt nạt, đánh nhau…Chính phủ các nước này cũng phải có nhiều giải pháp mạnh tay để chấn chỉnh. Ở Việt Nam, với quy mô lớn trên 22 triệu học sinh, sinh viên và 1,2 triệu nhà giáo - tổng cộng chiếm gần 1/4 dân số cả nước, việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn không phải là công việc dễ dàng và không chỉ riêng một ngành nào có thể làm được”- ông Linh nhấn mạnh.

Để hạn chế được bạo lực học đường ông Linh cho rằng, nhà trường phải tạo được môi trường giáo dục thân thiện, để học sinh tin tưởng, chia sẻ khó khăn, vướng mắc; phụ huynh phải nắm bắt được các tâm tư, nguyện vọng, thay đổi của con em để chia sẻ, hỗ trợ kịp thời và phối hợp cùng nhà trường, đồng thuận với cách giáo dục của giáo viên để xử lý các vấn đề. 

Đề cập đến giải pháp hạn chế tình trạng bạo lực học đường ông Phan Hồng Nguyên- Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, kết quả nghiên cứu một số các quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực học đường nói riêng và bảo vệ trẻ em nói chung gắn với xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện cho thấy có một số hành vi chưa có quy định pháp luật điều chỉnh; mức phạt tiền đối với một số hành vi bạo lực học đường còn thấp chưa có sức răn đe, giáo dục... ; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Chính vì vậy, các bộ, ngành chức năng cần rà soát để sớm đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung điều chỉnh về phòng, chống bạo lực học đường.    

(Theo Báo Đại Đoàn Kết)