Tuổi vị thành niên - làm thế nào để có một tình yêu "an toàn"?

14:16 06/01/2020

Tháng 12 vừa qua, các bạn học sinh khối 10 và khối 11 đã có dịp trao đổi, chia sẻ và trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị trong chương trình Tình yêu an toàn do bộ phận Tâm lý của nhà trường tổ chức. Vừa trải qua tuổi dậy thì đầy biến động, nay các bạn đã “vượt ngưỡng” trẻ con và bắt đầu “chập chững những bước chân đầu tiên” để khám phá thế giới của người lớn. Hơn ai hết, việc tìm hiểu và nắm bắt những kiến thức chính xác, khoa học về tình yêu là hoàn toàn phù hợp và cần thiết với những chàng trai

Tình yêu vẫn luôn là một chủ đề rất đỗi quen thuộc, gần gũi với cuộc sống của chúng ta: Từ thơ ca, nhạc họa, phim ảnh đến câu chuyện thường ngày của bản thân hay những người xung quanh, … Tình yêu giống như một nguồn cảm hứng bất tận để chúng ta cùng nhau nhìn nhận và bàn luận về nó. 

Vậy tình yêu là gì? Tình yêu có ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống?

Giải quyết ra sao với những cảm xúc tiêu cực trong từng tình huống thường gặp của tình yêu?

Hay làm thế nào để tình yêu “an toàn” – cả về thể chất và tinh thần?

Mỗi bạn sẽ tự tìm ra câu trả lời cho riêng mình, thông qua việc lắng nghe học hỏi từ nhau cũng như tiếp nhận thêm về những kiến thức khoa học, chính xác về tình yêu mà bộ phận Tâm lý cung cấp.

Chương trình được bắt đầu bằng một câu chuyện hài hước: Cậu bé 5 tuổi “kể” cho nhật ký về việc mình “thầm thương trộm nhớ” một cô bạn cùng lớp mẫu giáo. Bên cạnh những pha gây cười, các bạn học sinh sẽ nhìn thấy những giai đoạn quen thuộc và những cảm xúc tự nhiên trong tình yêu, dù là ở bất kỳ lứa tuổi nào. Câu chuyện mang lại không khí vui vẻ, cũng là lời mở đầu đầy ấn tượng cho chương trình Tình yêu an toàn. 

Tiếp đến, các bạn học sinh được hình dung rõ hơn thông qua việc xem lại những sản phẩm của khối 10 về chủ đề tình yêu trong sự kiện Hội nghị học sinh: Tình yêu là gì; Những lợi ích và tác hại mà tình yêu mang lại, … Những câu hỏi được giải đáp bằng chính quan điểm, suy nghĩ của học sinh các lớp.

Hoạt động tiếp theo, các bạn cùng ghi ra những tiêu chuẩn về “người yêu tương lai”, về những điều tìm kiếm trong tình yêu. Với sự tranh luận trong nhóm, học sinh có thể thấy tình yêu với mỗi người sẽ có một góc nhìn riêng, nên tiêu chuẩn đặt ra cũng không thể giống nhau 100%. Sau đó, các bạn học sinh tự nhìn lại tiêu chuẩn mình đặt ra và chấm điểm cho bản thân, thông điệp gửi gắm trong đó rằng: Tình yêu không chỉ là tìm kiếm ở nửa kia những điều tốt đẹp mà còn là cơ hội để khám phá và hoàn thiện chính bản thân mình. Vì vậy những tiêu chuẩn mình mong muốn họ có, trước tiên mình cần có.

Sự hào hứng của các bạn HS trong các hoạt động

 Hoạt động chủ đạo trong chương trình đó là trải nghiệm học sinh các nhóm sẽ suy nghĩ, bàn luận và trình bày về những cảm xúc cũng như những cách nên làm trong từng tình huống được cho trước: Thất tình/chia tay; Thích thầm bạn thân; Bạn thích mình nhưng mình không thích; Bố mẹ lo lắng/cấm cản; Người yêu hay ghen tuông; Người yêu đòi làm “chuyện đó” nhưng mình chưa sẵn sàng. Các nhóm cùng phản hồi cho nhau và bổ sung thêm về những cách nên làm trong từng tình huống, bên cạnh đó là một số gợi ý từ bộ phận Tâm lý. Trong chuyện tình cảm, không tranh khỏi những lúc buồn, băn khoăn, lo lắng, thất vọng, và hoạt động này nhằm mục đích học sinh cùng nhau khám phá và sẵn sàng đối mặt nếu lỡ rơi vào những cảm xúc đó.

Hoạt động cuối cùng nhận được sự thu hút rất lớn từ các bạn học sinh, đó là trò chơi tìm hiểu về các kiến thức liên quan đến tình yêu, tình dục an toàn, các biện pháp tránh thai, hệ quả nếu quan hệ tình dục mà không có kiến thức, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, những chuẩn mực xã hội về tình dục và quan hệ nam nữ, kiến thức luật pháp về quan hệ tình dục trong độ tuổi 16 – 18 tuổi, xu hướng tính dục, … Với sự hiểu biết của các bạn học sinh kết hợp với việc chia sẻ thẳng thắn về những nội dung thường được coi là “nhạy cảm” - ít được nhắc đến trong giáo dục Việt Nam, hoạt động mang lại nhiều bài học với thông điệp khuyến khích học sinh tìm hiểu về sức khỏe sinh sản, biết cách giữ gìn và bảo vệ bản thân cũng như có trách nhiệm với tất cả quyết định của mình.

Kết thúc chương trình là một thông điệp được gửi gắm đến tất cả các bạn học sinh:
Để biết yêu một ai đó thật lòng, trước tiên hãy tập yêu chính bản thân mình.