Khối 10 rộn ràng học múa sạp

16:28 05/05/2016

Chiều 5/5/2016, học sinh Khối 10 đã được các thầy cô giới thiệu, hướng dẫn tỉ mỉ và thực hành đúng cách các động tác múa sạp đơn và đôi. Mặc dù mới là lần đầu làm quen còn nhiều bỡ ngỡ nhưng phần lớn các bạn đã nắm được quy luật của những bước nhảy dân vũ lâu đời này.

Những vũ điệu dân gian của các tộc người không chỉ là thể hiện tính nghệ thuật cao qua từng bước đi, từng nét uốn lượn mà còn chứa đựng tâm hồn, tình cảm và cả cốt cách của con người. Có thể coi điệu múa sạp sôi nổi của đồng bào các dân tộc ở Tây Bắc là công cụ nghệ thuật gắn kết cộng đồng trong các lễ hội. Từ những buổi múa sạp mừng chiến thắng Điện Biên (tháng 5-1954) giữa quân và dân, múa sạp đã được nghệ thuật hóa, xuất hiện tại nhiều sân khấu, cuộc biểu diễn, theo chân các đoàn nghệ thuật dân tộc Việt Nam ra nước ngoài.

Ở Trường Nguyễn Siêu, múa sạp (nhảy sạp) được phổ biến trong học sinh như một cách để lưu giữ nét đẹp văn hóa dân gian Việt Nam, làm phong phú các hoạt động tập thể, thêm gắn kết cộng đồng giáo viên, học sinh trong nhà trường. Chiều 5/5/2016, ngay trước kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, học sinh Khối 10 đã được các thầy cô giới thiệu sơ bộ, hướng dẫn tỉ mỉ và thực hành đúng cách các động tác múa sạp đơn và đôi. Mặc dù mới là lần đầu làm quen còn nhiều bỡ ngỡ nhưng phần lớn các bạn đã nắm được quy luật của những bước nhảy dân vũ lâu đời này.

K10 nhảy sạp
Học sinh khối 10 thực hành nhảy sạp chiều 5/5/2016

Để tổ chức múa sạp, các thầy cô đã chuẩn bị hai cây tre to, thẳng và dài làm sạp cái, cùng đó là nhiều cặp sạp con bằng tre nhỏ. Hai chiếc sạp cái đặt cách nhau một khoảng rộng vừa đủ để gác hai đầu các cây sạp con, từng cặp sạp con đặt song song, cách đều nhau chừng hai gang tay, tạo thành dàn sạp.

Luân phiên các tốp đập sạp và nhảy sạp. Những bạn đập sạp phải rất đều tay, tốc độ ban đầu chậm rãi nhưng sau có thể nâng dần lên, khiến các bước nhảy khó dần và cũng từ đó mà hấp dẫn hơn. Người nhảy sạp phải chứng tỏ được sự khéo léo của mình, theo đúng và kịp tiết tấu của người đập sạp. Từng đôi nhảy sạp phải dợm bước cho khéo khi bước vào, sau đó phải phối hợp động tác chân, động tác tay, sự uốn lượn của thân hình thật khớp nhau.

Ở quê hương của điệu dân vũ này, trong nhiều cuộc múa sạp, người nhảy mang theo một chiếc khăn dài màu sắc bắt mắt. Những chiếc khăn đó được tung lên, uốn lượn quanh người, nhìn xa như những đám mây vờn rất đẹp mắt. Người nhảy không chỉ “bước” đúng vào những chỗ trống của đôi sạp, mà phải như thể nhảy múa, bay trên sạp và phải biết biến đổi vị trí ngang, dọc, chéo, tròn.

Với đồng bào Mường, Thái,... bao đời nay múa sạp được cho là điệu múa nổi bật nhất. Không một chàng trai, cô gái nào không biết múa sạp. Không một mùa xuân nào, một đêm trăng sáng nào, một lễ hội nào người ta không tổ chức múa sạp. Theo thời gian, nhiều điệu múa dân gian bị mai một, thất truyền, nhưng riêng với múa sạp thì do đặc tính mở, rất cộng đồng nên nó vẫn tồn tại. Không những thế, nó còn được nâng cao hơn về tính nghệ thuật, giúp cho đời sống cộng đồng thêm phong phú.

PV

(Tư liệu tham khảo báo Đại Đoàn Kết)