Người "nội trợ" tâm huyết của Trường Tiểu học Nguyễn Siêu

15:58 21/03/2016

Hơn 20 năm qua có một người phụ nữ vẫn lẳng lặng đứng sau chăm lo việc học hành, chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho những học sinh mà bà vẫn yêu thương như con cháu trong nhà. Bà là nhà giáo Dương Thị Thịnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Siêu.

Ngay từ nhỏ, cô bé Dương Thị Thịnh đã mơ ước được trở thành “người lái đò” để mang con chữ đến với mọi miền đất nước. Chính vì thế, 18 tuổi, Dương Thị Thịnh gắn bó với nghề giảng dạy sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm. Là giáo viên Văn, bà đã đi giảng dạy ở khắp các trường nội đô không biết mệt mỏi. Nắng cũng như mưa, bà đều đặn lên lớp vì với bà được đứng trên bục giảng là một niềm đam mê. Niềm đam mê đó luôn là động lực để bà tiếp tục theo nghề dù đã nghỉ hưu.
 
Chuyển từ việc giảng dạy sang công tác quản lý là hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Siêu, bà vẫn dồn hết tâm huyết của mình cho sự nghiệp trồng người. Dù không trực tiếp đứng lớp nhưng bà vẫn cần mẫn như một bà “nội trợ” tận tụy đối với học sinh. Thật vậy, nếu ai đã từng có con học tại Trường Tiểu học Nguyễn Siêu, mỗi dịp tựu trường đã quen hình ảnh của một phụ nữ đứng tuổi cao ráo, nét mặt thanh tú, rắn rỏi, ăn mặc giản dị bước vào, vừa đi vừa quạt… Bà chẳng nói chẳng rằng, đứng nhìn mọi người làm việc rồi lẳng lặng bước ra. Ngay trong lần tiếp xúc đầu tiên bà đã làm cho tất cả phụ huynh học sinh cảm động trước sự ân cần chu đáo và tình cảm đặc biệt mà bà dành cho các cháu. Không chỉ thể hiện tình cảm, trách nhiệm, hơn 20 năm qua bà đã làm hết sức mình vì các cháu, vì sự phát triển của nhà trường.
 
Nhớ lại những ngày đầu mới thành lập, là trường dân lập nên bà phải tự lo mọi việc, từ trường sở, cơ sở vật chất, chăm lo đời sống cán bộ giáo viên... Đến năm 1998, trường được Thành phố quan tâm cấp đất, bà lại vất vả bươn trải lo tiền để đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng trường khang trang hiện đại, có thầy giỏi, trang thiết bị tiên tiến... Với đàn ông, đó có thể là một việc đơn giản nhưng là một phụ nữ nếu không có cái tâm với nghề thì không có sức mạnh nào có thể làm được.
 
Nhà giáo Dương Thị Thịnh tại Trường Tiểu học Thắng Lợi (Hạ Lang - Cao Bằng)
Nhà giáo Dương Thị Thịnh trong chuyến công tác thiện nguyện tại Trường Tiểu học Thắng Lợi (Hạ Lang - Cao Bằng)
Là hiệu trưởng Trường Tiểu học nên bà quan tâm uốn nắn đưa các cháu đi vào nền nếp ngay từ những năm học đầu tiên. Với vai trò Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị nhà trường, bà sát cánh cùng chồng lo toan mọi việc cho cả các cháu ở trường Trung học do ông làm hiệu trưởng. Từ chuyện ăn, chuyện học, đi lại, tu dưỡng rèn luyện mọi mặt cho các cháu, bà đều phải để tâm cho mọi việc tốt đẹp. Không chỉ quan tâm tới các cháu lúc ở trường, bà còn quan tâm đến cả điều kiện ăn học của các cháu ở nhà. Chính vì thế bà luôn tận dụng những cơ hội để bàn bạc, trao đổi rất cụ thể, “nhờ gia đình giúp nhà trường” quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các cháu ăn, học, nghỉ ngơi… trong thời gian ở nhà. Chính thế mà nhiều bậc phụ huynh đã cảm động thốt lên: “Bà hiệu trưởng làm cứ như các cháu là con của mình vậy”.
 
Những ai đã biết bà hơn mấy chục năm qua còn cảm phục bà bởi tình cảm thương yêu con người. Không chỉ chăm lo cho những học sinh của mình bà còn quan tâm đến những học sinh các trường khác có hoàn cảnh khó khăn, trợ giúp các trường trẻ em mồ côi, khuyết tật, trẻ em nghèo trong quận, trong thành phố... Bên cạnh đó bà còn nhiệt tình với công tác xã hội như hàng năm thăm hỏi thương binh nặng, phát động học sinh ủng hộ thiên tai trong và ngoài nước với số tiền hàng trăm triệu đồng/ năm... Điều quan trọng là thông qua những việc làm ý nghĩa này bà đã cùng giáo viên giáo dục cho học sinh hiểu thế nào là “tình người”, động viên ý thức vươn lên học tập trong điều kiện của các em.
 
Không kể 30 năm giảng dạy ở các trường công, chỉ tính số học sinh của trường  Nguyễn Siêu mà bà đã dạy và chăm lo cho các cháu từ khi về hưu đến nay cũng đến hơn vạn cháu. Nhưng có lẽ những phần quà giá trị nhất mà bà luôn trân trọng, đó là những phần thưởng mà học sinh cũng như trường của bà nhận được. Điều đó làm cho bà quên hết ưu phiền mệt mỏi để tiếp tục chia sẻ công việc, hoài bão với chồng để mỗi năm uy tín của trường một tăng. Trong suốt 20 năm qua, chưa có học sinh nào của trường không tốt nghiệp khi học hết cấp. Tỷ lệ học sinh thi đỗ Đại học tính bình quân đạt 84%; trong tốp 200 trường THPT có điểm thi Đại học trung bình cao nhất trong cả nước.
 
Đặc biệt, Trường Tiểu học do bà là hiệu trưởng là trường đi đầu trong việc thực hiện chuyển đổi mô hình “Dịch vụ giáo dục trình độ chất lượng cao”. Sau 7 năm thực hiện số lớp chất lượng cao (CLC) đã chiếm tỷ lệ 95%. Đến năm học 2012-2013 trường có 100% số lớp CLC và trở thành trường “Dịch vụ giáo dục trình độ chất lượng cao” với một cơ ngơi khang trang, sạch đẹp; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học hiện đại; phát triển và mở rộng giao lưu, hội nhập với khu vực và quốc tế.
 
Trong các năm học, 97,9% học sinh tiểu học xếp loại văn hoá giỏi; thi học sinh giỏi đạt 194 giải trong đó có 2 giải Quốc tế về piano, 2 giải Nhất quốc gia và 43 giải cấp Thành phố. Kiểm định chất lượng giáo dục, trường Tiểu học Nguyễn Siêu là 1 trong 5 trường  đạt điểm cao nhất trong thành phố; được UBND thành phố công nhận đạt  “Tập thể lao động xuất sắc” và được Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bản thân bà cũng đã được trao tặng Huy chương vì sự nghiệp giáo dục; Huy chương vì thế hệ trẻ của TW Đoàn; Huy chương Tổng phụ trách giỏi của Hội đồng đội TW và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ...
 
Miệng nói, tay làm, chân đi thoăn thoắt, suốt ngày bà tất bật như một con thoi, việc gì cũng đến tay nhưng lúc nào bà cũng tươi tắn. Với cương vị là người “nội trợ” của trường, tình cảm của học sinh dành cho bà được ghi nhận qua những câu nói như “cơm ở trường ngon hơn ở nhà”. Câu nói đơn giản thôi nhưng thật sâu sắc. Những gì có được bà dành hết để xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường ngày càng khang trang hiện đại; để bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và đời sống cán bộ giáo viên nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả giáo dục toàn diện cho học sinh, đáp ứng yêu cầu CLC và hội nhập quốc tế. Chính bà đã cùng chồng nghĩ ra việc lấy tên danh nhân văn hóa Nguyễn Văn Siêu (Thần Siêu) để đặt cho trường với khát khao, tâm nguyện “góp phần giữ gìn, chấn hưng mạch nguồn văn hiến Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội”.
 
Anh Nam (Trí thức & Phát triển)