BỘ BIỂU TƯỢNG HPL TẠI NGUYỄN SIÊU

11:53 14/08/2024

[ High Performance Learning Icons at Nguyen Sieu School ]

Bộ biểu tượng High Performance Learning (HPL) gốc

Bộ biểu tượng HPL được Việt hóa và phát triển bởi Trường Nguyễn Siêu

 

 

HỆ TƯ DUY - CÁC ĐẶC ĐIỂM NHẬN THỨC BẬC CAO ACPS

 

HOA SEN: BIỂU TƯỢNG CHO SIÊU TƯ DUY

Hoa sen là một trong những loài thực vật linh thiêng, tượng trưng cho sự giác ngộ và mối liên kết giữa linh hồn vũ trụ và linh hồn con người. Hình ảnh Phật tọa đài sen tượng trưng cho vẻ đẹp thanh cao, thoát tục, cao cả và sự thông tuệ. Đó chính là lí do mà Nguyễn Siêu chọn hoa sen làm biểu tượng cho một trong những kĩ năng quan trọng nhất của tư duy bậc cao: Siêu tư duy (Meta-thinking). 

Siêu nhận thức: Phản ánh suy nghĩ của chính mình, cố ý sử dụng nhiều phương pháp tư duy khác nhau và chuyển kiến ​​thức từ hoàn cảnh này sang hoàn cảnh khác.

Tự điều chỉnh: Khả năng theo dõi, đánh giá và tự điều chỉnh.

Lập kế hoạch chiến lược: Khả năng tiếp cận trải nghiệm học tập mới bằng cách tích cực cố gắng kết nối nó với kiến thức hoặc khái niệm hiện có, từ đó xác định cách suy nghĩ phù hợp về công việc.

Sự tự tin về trí tuệ: Khả năng trình bày rõ ràng quan điểm cá nhân dựa trên bằng chứng và bảo vệ chúng khi cần thiết.

 

HOA CÚC: BIỂU TƯỢNG CHO KHẢ NĂNG LIÊN KẾT

Hoa cúc được xem là biểu tượng của sự đoàn kết và gắn bó. Loài hoa này thường mọc thành cụm, từng khóm, đan hòa với nhau như tình gia đình, làng xóm. Hoa cúc có thể nở quanh năm, song đặc biệt đẹp viên mãn vào mùa thu và đông, như niềm lạc quan và hi vọng dù ở giữa tiết trời khắc nghiệt. Hoa cúc tượng trưng cho sự bình an và hạnh phúc. Và cũng là biểu tượng của sức khỏe, sự trường thọ, lòng hiếu thảo, cốt cách thanh cao của kẻ sĩ. Nguyễn Siêu chọn hoa cúc làm biểu tượng cho sự liên kết bởi ý nghĩa biểu tượng sâu sắc và đặc tính đáng quý của loài hoa này, đó là lá không rụng khỏi cành, hoa cũng chẳng lìa thân dù có héo rũ, tàn khô. 

Khái quát hóa: Khả năng xem những gì đang xảy ra trong trường hợp này có thể được ngoại suy cho các tình huống tương tự khác như thế nào.

Tìm mối liên hệ: Khả năng sử dụng các mối liên hệ từ trải nghiệm trước đây để tìm kiếm những cách thức khái quát hoá khả thi.

Tư duy toàn diện: Khả năng làm việc với những ý tưởng lớn và khái niệm tổng thể.

Trừu tượng hóa: Khả năng chuyển từ chuyển đổi từ tư duy cụ thể sang tư duy trừu tượng một cách nhanh chóng.

Trí tưởng tượng: Khả năng trình bày vấn đề và phân loại nó trong mối liên hệ với kiến thức sâu rộng hơn và có mối liên hệ chặt chẽ hơn.

Nhìn nhận các quan điểm khác: Khả năng tiếp thu quan điểm của người khác và giải quyết sự phức tạp, mơ hồ.

 

HOA HƯỚNG DƯƠNG: BIỂU TƯỢNG CHO KHẢ NĂNG PHÂN TÍCH

Là loại hoa có kích thước lớn, mỗi cánh hoa gắn liền với một hạt giống nên hoa hướng dương là biểu tượng của sự phát triển và thành đạt. Hoa còn là đại diện cho khả năng chống chọi với mọi khó khăn trong cuộc sống, là biểu tượng của quyết tâm, niềm tin và tinh thần vươn lên, kiên trì hướng về ánh sáng mặt trời, hướng về chân lí. Hoa hướng dương có cấu trúc hoa đồng nhất, mạch lạc, với một vòng các cánh nhỏ ở phần giữa và các cánh lớn bao quanh, phù hợp để đại diện cho khả năng phân tích.

Tư duy phản biện hoặc logic: Khả năng suy luận, đưa ra giả thuyết, lý luận, tìm kiếm bằng chứng hỗ trợ.

Sự chính xác: Khả năng làm việc hiệu quả trong phạm vi các quy tắc của một lĩnh vực hoạt động hoặc kiến thức.

Giải quyết vấn đề phức tạp và bao gồm nhiều bước: Khả năng chia nhỏ một nhiệm vụ, quyết định cách tiếp cận phù hợp và sau đó hành động

 

HẠT CÀ PHÊ: BIỂU TƯỢNG CHO KHẢ NĂNG SÁNG TẠO

Hạt cà phê rắn chắc được rang lên, xay ra, qua nước sôi sẽ cho ta một thứ nước thơm ngon, đậm vị. Mỗi sự kết hợp với một nguyên liệu khác, cà phê lại cho ra một hương vị mới. Ở bất cứ đâu, cà phê luôn là hiện thân của trí tuệ, sáng tạo, hướng đến sự đột phá và tạo ra cái mới.  Với tình yêu cà phê cùng những giá trị mà cà phê đóng góp vào tiến trình phát triển của nhân loại, Nguyễn Siêu chọn hạt cà phê làm biểu tượng cho tinh thần và khả năng Sáng tạo trong hệ thống biểu tượng của HPL.

Tư duy đột phá: Khả năng nhận biết các quy tắc và “bẻ cong” các quy tắc đó để tạo ra những thể thức có giá trị nhưng đầy mới mẻ.

Tư duy linh hoạt: Khả năng từ bỏ một ý tưởng để chuyển sang một ý tưởng ưu việt hơn hoặc tạo ra nhiều giải pháp.

Tư duy mạch lạc: Khả năng tạo ra nhiều ý tưởng.

Tính độc đáo: Khả năng tạo ra một điều gì/cái gì đó mới mẻ.

Tư duy cải tiến: Khả năng tạo ra những ý tưởng mới thông qua việc xây dựng trên những ý tưởng hiện có hoặc chuyển hướng từ chúng.

 

HOA PHƯỢNG: BIỂU TƯỢNG CHO KHẢ NĂNG HIỆN THỰC HÓA

Cây phượng vĩ sở hữu những tán lá to và rộng cùng thân cây cao lớn, tạo bóng râm mát, giúp mang đến không khí mát mẻ dưới cái nắng chói chang của mùa hạ. Hoa phượng được gọi bằng cái tên trìu mến “hoa học trò” bởi khi vòm cây đỏ thắm một màu hoa là rộn ràng mùa bế giảng, ngày Tốt nghiệp, lễ Trưởng thành. Vì thế, hoa phượng hay được trồng ở sân trường như một góc khắc ghi kỉ niệm, như một cách để nhắc nhở các thế hệ học trò về mùa thi, mùa hiện thực hóa những ước mơ. Đó cũng là lí do mà Nguyễn Siêu chọn hoa phượng làm biểu tượng cho khả năng hiện thực hóa. 

Tính tự động: Khả năng sử dụng một số kỹ năng một cách dễ dàng đến mức không còn cần đến tư duy chủ động

Tốc độ và độ chính xác: Khả năng làm việc nhanh chóng và chính xác.

 

 

HỆ GIÁ TRỊ, THÁI ĐỘ VÀ PHẨM CHẤT - VAAS

 

LÁ BỒ ĐỀ: BIỂU TƯỢNG CHO LÒNG THẤU CẢM

Lá bồ đề là biểu tượng cho sự thức tỉnh và giác ngộ, gắn liền với sự tích tu hành của thái tử Tất Đạt Đa (Thích Ca Mâu Ni Phật). Ngài đã đi khắp châu Á để truyền bá đạo Phật và đã được lưu hành cho tới ngày nay, giúp mọi người luôn hướng tới cái thiện, từ bỏ sân hận và yêu thương muôn loài. Mang hình dáng trái tim, đem tới cảm giác che chở, soi sáng, thức tỉnh, lá bồ đề nhắc nhở mỗi người biết nuôi dưỡng tình yêu thương, lòng bao dung, tinh thần buông xả, cảm thông, thấu hiểu. Vì ý nghĩa sâu sắc đó mà Nguyễn Siêu đã chọn lá bồ đề tượng trưng cho lòng thấu cảm. 

Hợp tác: Khả năng tìm kiếm cơ hội nhận được phản hồi cho công việc của mình; trình bày quan điểm và ý tưởng của riêng mình một cách rõ ràng và chính xác; lắng nghe quan điểm của người khác; sẵn sàng và có khả năng làm việc theo nhóm; đảm nhận nhiều vai trò khác nhau và có thể đánh giá ý tưởng và đóng góp của riêng mình.

Quan tâm đến xã hội: Khả năng biết được sự đóng góp của mình cho xã hội vì lợi ích của những người kém may mắn hơn; thể hiện quyền công dân và ý thức về đặc tính cộng đồng, nhận ra sự khác biệt cũng như sự tương đồng giữa con người với các dân tộc; nhận thức được di sản văn hóa của chính mình và của người khác, nhạy bén với các vấn đề đạo đức và luân lý được đề cập trong quá trình học.

Tự tin: Khả năng phát triển niềm tin vào kiến thức, hiểu biết và hành động của bản thân; nhận ra khi nào cần thay đổi niềm tin của mình dựa trên thông tin bổ sung hoặc lập luận của người khác; đối phó với những thách thức và tình huống mới, kể cả khi điều này gây ra sự căng thẳng.

 

CÂY TRE: BIỂU TƯỢNG CHO TÍNH LINH HOẠT / SỰ NHANH NHẠY

Trong lịch sử và văn hóa Việt Nam, cây tre tượng trưng cho bản lĩnh quật cường, ý chí bất khuất của con người Việt Nam. Cây tre tạo nên những lũy, thành, giúp cha ông ta bảo vệ làng quê trước thử thách của thiên nhiên và bảo vệ đất nước khỏi giặc ngoại xâm. Vững ở gốc, chắc ở thân, uyển chuyển ở cành; vì thế, tre kiên cường mà mềm dẻo, bản lĩnh mà linh hoạt. Chính sách “ngoại giao cây tre” uyển chuyển mà vững vàng, bản lĩnh thêm một lần nữa khẳng định tính linh hoạt của tre… Vì thế, Nguyễn Siêu đã chọn cây tre là biểu tượng cho tính linh hoạt - một trong tám giá trị của HPL.

Ham hiểu biết: Khả năng tò mò; sẵn sàng làm việc một mình; chủ động; ham học; sẵn sàng làm việc độc lập; dám nghĩ dám làm; tư duy độc lập; thách thức các giả định và yêu cầu bằng chứng cho các khẳng định; chủ động kiểm soát việc học của chính mình; chuyển từ việc hấp thụ kiến thức và các phương pháp sang tự phát triển quan điểm và giải pháp của riêng mình.

Sáng tạo và dám nghĩ dám làm: Khả năng cởi mở và linh hoạt trong quá trình tư duy; thể hiện sự sẵn sàng đổi mới và phát minh ra nhiều giải pháp mới cho một vấn đề hoặc tình huống; điều chỉnh cách tiếp cận theo nhu cầu; gây bất ngờ và thể hiện sự độc đáo trong công việc, phát triển phong cách cá nhân; tháo vát khi phải đối mặt với những nhiệm vụ và vấn đề đầy thử thách, sử dụng sáng kiến của mình để tìm ra giải pháp.

Cởi mở: Khả năng nhìn nhận khách quan về những ý tưởng và niềm tin khác nhau; trở nên dễ tiếp thu hơn những ý tưởng và niềm tin khác dựa trên lập luận của người khác; thay đổi ý tưởng nếu có bằng chứng thuyết phục.

Dám mạo hiểm: Khả năng thể hiện sự tự tin; thử nghiệm những ý tưởng và hiệu ứng mới lạ; sẵn sàng suy đoán; làm việc trong bối cảnh không quen thuộc; tránh đưa ra các kết luận nóng vội, chấp nhận sự không chắc chắn.

 

CÂY LÚA: BIỂU TƯỢNG CHO TINH THẦN CHĂM CHỈ / SỰ CẦN CÙ

Là loại cây đặc trưng của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước, từ thuở xa xưa, người Việt đã gắn bó với cây lúa. Lúa cũng là nguồn cung cấp lương thực chủ đạo cho đất nước. Ngoài ra lúa còn cho rơm rạ làm chất đốt, lợp nhà, trát vách, ủ đất gieo hạt, làm thức ăn cho gia súc, gia cầm… Nguyễn Siêu chọn cây lúa làm biểu tượng cho tinh thần chăm chỉ, bởi hạt gạo được làm ra từ lúa là kết tinh công sức của người nông dân phải “một nắng hai sương” cày, bừa, cấy, hái, xay, giã, giần, sàng. Cây lúa chính là hiện thân chân dung một đất nước tảo tần, chịu khó, nhẫn nại, cần cù, chăm chỉ. 

Rèn luyện: Khả năng đào tạo và chuẩn bị thông qua việc lặp lại các quy trình giống nhau để trở nên thành thạo hơn.

Kiên trì: Khả năng tiếp tục cố gắng và không bỏ cuộc ngay cả khi gặp khó khăn; kiên trì nỗ lực; làm việc chăm chỉ và làm việc có hệ thống; không hài lòng cho đến khi hoàn thành công việc với chất lượng và độ chính xác cao.

Kiên cường: Khả năng vượt qua trở ngại; luôn tự tin, tập trung, linh hoạt và lạc quan; giúp đỡ người khác tiến về phía trước khi đối mặt với nghịch cảnh.