Khối 8 đi tìm vẻ đẹp của "vùng đất hai vua"

14:57 06/03/2017

Trải nghiệm tại làng cổ Đường Lâm ngày 3/3/2017 - bài học được gần 200 học sinh Khối 8 (2016-2017) thực hiện tại di sản - được coi như là "một mũi tên trúng nhiều đích" khi có thể vận dụng kiến thức liên bộ môn để hoàn thiện một loạt nhiệm vụ giúp các em nhận ra giá trị cổ xưa và đẹp đẽ trong cuộc sống hôm nay.

Khối 8 học tập tại Đường Lâm
HS Khối 8 (năm học 2016-2017) trải nghiệm học tập tại Đường Lâm

Với môn Ngữ văn, học sinh biết cách thuyết minh một phương pháp (cách làm một món ăn hay cách trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch một loại rau củ - môn Công nghệ) và thuyết minh về một danh lam thắng cảnh cụ thể; biết thực hành tìm hiểu địa phương, phục vụ cho tiết học môn Địa lí. Với môn Mĩ thuật, các em sẽ có được hiểu biết sơ lược về lịch sử mĩ thuật Việt Nam giai đoạn thời Lê: kiến trúc đình làng, trạm khắc trang trí, điêu khắc. Với môn Lịch sử, HS có thể hiểu rõ nguồn gốc, ý nghĩa lịch sử, kiến trúc, giá trị của làng cổ Đường Lâm. Với môn GDCD, chuyến đi sẽ cho các em lòng tự hào, trân trọng, ý thức bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa đó.

Chương trình được tổ chức với mong muốn các em HS có thái độ tích cực, vận dụng kiến thức của các bộ môn Ngữ văn, Lịch sử, Mĩ thuật, Địa lí, Công Nghệ, GDCD... để giới thiệu nét đẹp văn hóa của làng cổ Đường Lâm nói riêng và Thủ đô ngàn năm văn hiến nói chung.

Đặc biệt, không chỉ được thăm nhà cổ, Đình làng Mông Phụ, đền Phùng Hưng và lăng Ngô Quyền, các em còn được tự tay trải nghiệm làm bánh gai, bánh tẻ, bánh chè lam, kẹo dồi, kẹo lạc; được xuống ruộng dỡ khoai, thu hoạch rau, ngô,…

Kết thúc ngày học tập, các em được chuẩn bị báo cáo, trình bày sản phẩm tại lớp để trả bài Văn thuyết minh, nộp bài chép họa tiết trang trí hoặc kí họa hình dáng ngôi đình; chia sẻ về một di tích, di sản ấn tượng nhất khi tham quan ở làng cổ Đường Lâm - Sơn Tây; mô tả về loại đá được sử dụng phổ biến trong các công trình cổ ở Đường Lâm…

An Na