TẬP HUẤN HPL LẦN 2 CHO CÁN BỘ, GIÁO VIÊN, NHÂN VIÊN TOÀN TRƯỜNG NGUYỄN SIÊU

12:22 23/03/2024

Ngày 22/3/2024,  Trường Nguyễn Siêu tiếp tục tổ chức buổi tập huấn nội bộ số 2 của dự án HPL dành cho cán bộ, giáo viên, nhân viên (CBGVNV) toàn trường. Nội dung buổi tập huấn lần này tập trung sâu vào đặc điểm nhận thức tư duy bậc cao Siêu tư duy (Meta-thinking).

Tiếp nối buổi tập huấn đầu tiên vào tháng 11/2023, buổi tập huấn thứ 2 đem đến kiến thức về đặc điểm nhận thức tư duy bậc cao Siêu tư duy, cùng chiến lược phát triển Siêu nhận thức cho học sinh trong các môn học.

Các thầy cô chia sẻ 3 từ đầu tiên mình nghĩ đến khi nghe về “Siêu tư duy”

Khái niệm về Siêu tư duy (Meta-thinking) được bẻ nhỏ, phân tích thông qua 4 khía cạnh: Siêu nhận thức (Meta-cognition), Lập kế hoạch chiến lược (Strategy Planning), Tự điều chỉnh (Self-regulation) và Sự tự tin về trí tuệ (Intellectual Confidence). Theo các chuyên gia HPL, việc dạy học sinh về Siêu tư duy là cần thiết, bởi năng lực này giúp các con chủ động học tập, nhờ đó có khả năng lựa chọn chiến lược học tập, đánh giá tiến độ và vận dụng kiến thức. Đồng thời, các con có được sự tự tin về trí tuệ và khả năng tự nhận thức để đối mặt với những vấn đề khó khăn. Học sinh cần được dạy về cách tư duy và khả năng tự điều chỉnh để lập kế hoạch chiến lược, từ đó phát triển sự tự tin về trí tuệ, từ đó nâng cao toàn bộ năng lực Siêu tư duy của mình.

Thầy cô suy ngẫm và diễn giải lý do cần dạy học sinh về Siêu tư duy theo ý hiểu của mình

Tiếp theo, buổi tập huấn đi sâu vào yếu tố Siêu nhận thức (Meta-cognition). Quá trình phát triển năng lực Siêu nhận thức bao gồm 3 giai đoạn: Lập kế hoạch - Theo dõi quá trình - Đánh giá - Suy ngẫm. Mỗi giai đoạn đều có các câu hỏi để người học tự vấn, nhằm xác định mình đã đạt đến giai đoạn nào. Để giúp thầy cô hiểu rõ hơn về nội dung này cũng như thay đổi không khí lớp học, TS. Nguyễn Quang Minh đã tổ chức hoạt động nhóm với đề bài “Sắp xếp các câu hỏi vào các giai đoạn tương ứng của Siêu nhận thức”. Việc lồng ghép nhiều hình thức tương tác đa dạng trong buổi tập huấn giúp thầy cô nắm bắt kiến thức nhanh hơn, đúng theo tinh thần “học tập siêu hiệu quả” của triết lý HPL.

CBGVNV hào hứng, say sưa với hoạt động tương tác trong giờ học

Trong phần cuối của buổi tập huấn, ThS Hoàng Thị Mận đã giới thiệu 10 chiến lược phát triển Siêu nhận thức trong các môn học, trong đó có ví dụ cụ thể về môn Maths do cô Nguyễn Phương Linh triển khai.


ThS Hoàng Thị Mận trong phần giới thiệu về các chiến lược phát triển Siêu nhận thức

Kết thúc buổi học, các thầy cô cùng nhau ôn lại những chiến lược phát triển siêu nhận thức thông qua trò chơi “Đuổi hình bắt chữ”. Đây cũng là quá trình giúp các thầy cô tự suy ngẫm - ghi nhớ tốt hơn những kiến thức đã học trong buổi tập huấn này.

Sự hưởng ứng và phản hồi nhanh của các thầy cô thể hiện sự thích ứng nhanh của đội ngũ CBGVNV nhà trường với dự án HPL. Đây chắc chắn là điểm tựa để tinh thần HPL tiếp tục được lan tỏa rộng rãi, từ đó, đẩy nhanh quá trình đưa trường THCS & THPT Nguyễn Siêu trở thành trường học ưu tú (High Performance Learning School) và trường học đẳng cấp thế giới (World-class School) như lộ trình đã đề ra.