Ý nghĩa Tết cổ truyền tại Việt Nam

09:00 27/01/2022

[ Bản tin của Đoàn Thanh niên Trường Nguyễn Siêu chào đón Tết Nhâm Dần 2022 ]

Mời thầy cô và các bạn click vào tab bên dưới để nghe podcast:

“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”

Khi nghe câu ca dao trên, khi khung cảnh quanh ta bắt đầu rực rỡ trang hoàng, khi dọc các con đường ngõ phố đều ngập tràn sắc hồng của đào, cam của quất cùng nhiều loại cây hoa khác; khi dòng người đông dần, náo nức đi sắm tết; khi các sạp bánh mứt tết được dựng lên ngày một nhiều; khi ta nghe đâu đó những tiếng nhạc mừng xuân; ... ta biết rằng: Tết Nguyên Đán đã gần tới rồi.

Tết Nguyên Đán (còn gọi là Tết Cả, Tết ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền hay đơn giản là Tết) là dịp lễ đầu năm Âm lịch quan trọng và có ý nghĩa nhất ở Việt Nam. “Tết” là cách đọc âm Hán - Việt của chữ “tiết”, “nguyên” theo chữ Hán có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai và “đán” là buổi sáng sớm, cho nên đọc đúng phiên âm phải là “Tiết Nguyên Đán”. Tết là ngày lễ lớn nhất trong các lễ hội truyền thống của Việt Nam, là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới. Tết là giây phút mà bất kể ai trong chúng ta đều mong chờ, là khi gia đình đoàn tụ, con cháu mừng rỡ, tíu tít nhận những phong bao lì xì đỏ chót, thắm đượm tình xuân. Chính bởi lẽ ấy, có lẽ ai cũng có thể cảm nhận được rất rõ những ý nghĩa vô cùng sâu sắc của ngày lễ đặc biệt này. 

Với người Việt Nam, Tết Nguyên Đán không chỉ là khoảng thời gian chuyển giao giữa năm cũ và năm mới Âm lịch mà nó còn chứa đựng nhiều ý nghĩa tâm linh, văn hóa,... Theo quan niệm phương Đông, đây là khoảng thời gian trời đất có sự giao hòa và con người trở nên gần với thần linh. Tết Nguyên Đán xưa là dịp để người nông dân bày tỏ lòng thành kính đến các vị thần linh như thần Đất, thần Mưa, thần Sấm, thần Nước, thần Mặt trời,... và cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Bên cạnh đó, đây còn được coi là ngày “làm mới”, ngày để mọi người có thể hi vọng vào một năm mới an lành, sung túc, thuận lợi trong cả năm và gác lại mọi điều không may mắn trong năm cũ. Do vậy, vào dịp Tết, nhà nào cũng tất bật dọn dẹp, sắm sửa, trang hoàng nhà cửa cho thật đẹp. 

Đây cũng là dịp mọi người làm mới lại về phần tình cảm và tinh thần để mối liên hệ với người thân được gắn bó hơn, tinh thần thoải mái, tươi vui hơn. Trong dịp Tết, các gia đình thường tụ họp chúc Tết nhau, cùng nhau thắp nén hương tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, tạ ơn ông bà, tổ tiên đã phù hộ trong suốt một năm qua. Tết là ngày đầu tiên trong năm mới, mọi người có cơ hội ngồi ôn lại việc cũ và "làm mới" mọi việc. Việc làm mới có thể được bắt đầu về hình thức như dọn dẹp, quét vôi, sơn sửa trang trí lại nhà cửa. Sàn nhà được chùi rửa, chân nến và lư hương được đánh bóng. Bàn ghế tủ giường được lau chùi sạch sẻ. Người lớn cũng như trẻ con đều tắm rửa và mặc quần áo mới. 

Đây cũng là dịp mọi người làm mới lại về phần tình cảm và tinh thần để mối liên hệ với người thân được gắn bó hơn, tinh thần thoải mái, tươi vui hơn… Bao nhiêu mối nợ nần đều được thanh toán trước khi bước qua năm mới. Với mỗi người, những buồn phiền, cãi vã được dẹp qua một bên. Tối thiểu ba ngày Tết, mọi người cười hòa với nhau, nói năng từ tốn, lịch sự để mong suốt năm sắp tới mối quan hệ được tốt đẹp. Người Việt Nam tin rằng những ngày Tết vui vẻ đầu năm báo hiệu một năm mới tốt đẹp sẽ tới. Năm cũ đi qua mang theo những điều không may mắn và năm mới bắt đầu mang đến cho mọi người niềm tin lạc quan vào cuộc sống. Nếu năm cũ khá may mắn, thì sự may mắn sẽ kéo dài qua năm sau.Với ý nghĩa này, Tết còn là ngày của lạc quan và hy vọng. 

Tết là sinh nhật của tất cả mọi người, ai cũng thêm một tuổi vì thế câu nói mở miệng khi gặp nhau là mừng nhau thêm một tuổi. Người lớn có tục mừng tuổi cho trẻ nhỏ và các cụ già để chúc các cháu hay ăn chóng lớn và ngoan ngoãn, học giỏi; còn các cụ thì sống lâu và mạnh khoẻ để con cháu được báo hiếu và hưởng ân phúc. 

Tết – một dịp đặc biệt với nhiều điều đặc biệt. Tết mang trong mình những ý nghĩa sâu sắc khiến ai cũng háo hức tràn trề. Dẫu 2 năm nay dịch bệnh hoành hành những tâm hồn phơi phới sắc xuân cũng không thể nào bị dập tắt. Những con phố vẫn ngập tràn sắc đỏ câu đối, của giỏ quà tết, nia bánh chưng, mứt tết,... Phóng xe dạo quanh, ta vẫn cảm nhận thật rõ hương Tết đang ùa về ngày một gần, hòa chung vào sự náo nức của dòng người tấp nập. 

Chỉ còn vài ngày nữa thôi, chúng ta sẽ cùng bước sang một năm mới – năm Nhâm Dần. Mong rằng mọi người sẽ có một năm mới vạn sự như ý, tràn đầy sức khỏe, niềm vui và hạnh phúc, suôn sẻ trong mọi chuyện; mong sao dịch bệnh nhanh chóng qua đi, để cuộc sống trở về bình thường, để bớt đi những mất mát, để những người con xa xứ được trở về quê hương, để mọi người được đi làm, để các bạn học sinh được quay trở lại trường học, gặp bạn bè, thầy cô trong một năm mới với bao điều mới đang chờ đón phía trước.