Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội trong suy nghĩ của học sinh

10:52 28/02/2019

Hào hứng theo dõi và tự hào về thủ đô Hà Nội – điểm đến của hội nghị thượng đỉnh Mỹ và Triều Tiên lần thứ hai - học sinh Nguyễn Siêu có dịp thể hiện quan điểm, suy nghĩ, cảm xúc của mình về vấn đề thời sự mang tính lịch sử đang diễn ra trên thành phố thân yêu.

Nếu như các em nhỏ tiểu học tự tin nói vanh vách tên những vị lãnh đạo đang có mặt tại đây và “đơn giản là Việt Nam hòa bình nên được chọn là điểm đến”, thì trong các tiết học Lịch sử, Global Perspectives (Quan điểm toàn cầu), Travel and Tourism (Du lịch và Lữ hành), các anh chị lớp lớn hơn cùng nhau phân tích như những “chuyên gia” của Triều Tiên, Mỹ và của các nước trung lập để trả lời câu hỏi “Tại sao chọn Hà Nội?” cho hành trình đi về phía hòa bình.

Bên cạnh những câu trả lời cho thấy sự quan tâm, hiểu biết khá sâu sắc về lịch sử và thời sự Việt Nam và quốc tế, các bạn đều đồng ý với nhau về lòng tự hào với nền hòa bình bền vững và điểm đến đáng tin cậy mà Việt Nam đã và đang xây dựng.

Cũng khi gần như cả thế giới hướng về những ngày Thượng đỉnh tại Hà Nội, phóng viên của kênh đối ngoại Truyền hình Quốc phòng Việt Nam đã đến ghi hình không khí trong lớp học, ngoài sân trường và phỏng vấn nhanh với giáo viên và học sinh Nguyễn Siêu về sự kiện đáng chú ý này. Phóng sự được dự kiến phát sóng trong ngày 1/3/2019.

***

TẠI SAO CHỌN VIỆT NAM?

Một số nhà quan sát cho rằng việc chọn Việt Nam làm địa điểm tổ chức cuộc gặp mang tính biểu tượng cao. Với Mỹ, điều này phù hợp với kỳ vọng của họ về việc Triều Tiên đi theo con đường Việt Nam trong cải cách kinh tế. Còn với Triều Tiên, Việt Nam là biểu tượng cho nỗ lực thống nhất dân tộc.

Giáo sư Carl Thayer từ Đại học New South Wales cho rằng Việt Nam được tất cả các bên liên quan coi trọng vì khả năng cung cấp môi trường an ninh chất lượng cao cho cuộc gặp. Tất cả các bên đều tin tưởng Việt Nam là một chủ nhà trung lập. Nhà lãnh đạo Kim Jong Un muốn thăm chính thức Việt Nam để cho thấy Triều Tiên không bị cô lập. Triều Tiên đã học tập công cuộc "Đổi mới" của Việt Nam, đồng thời việc Việt Nam bình thường hóa quan hệ hay đàm phán hiệp định thương mại tự do với Mỹ đều là mối quan tâm của Bình Nhưỡng. "Triều Tiên sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ của Việt Nam cho việc duy trì đối thoại với Mỹ cũng như sự có qua có lại giữa Mỹ và Triều Tiên", ông cho biết.

Còn về phía Mỹ, "Việt Nam nằm trong vùng an toàn" của Tổng thống Trump, người đã đến cả Đà Nẵng và Hà Nội ngay trong năm đầu nhiệm kỳ. Mỹ cũng nhận thức được sự ủng hộ lâu nay của Việt Nam đối với việc chống phổ biến vũ khí và thực thi các lệnh trừng phạt của LHQ nhằm vào Bình Nhưỡng.

Trở thành chủ nhà cho cuộc gặp này, Việt Nam tái khẳng định sự đúng đắn của đường lối đối ngoại "đa dạng hóa, đa phương hóa" và "làm bạn với tất cả”, đồng thời nâng cao uy tín trong việc đóng góp cho an ninh khu vực và toàn cầu. Tất cả các nước lớn đều có lợi ích ở việc Việt Nam đóng vai trò độc lập và mang tính xây dựng tại khu vực.

(Theo Zing.vn)