Bài 1: Viếng mộ Tướng Giáp - tiếp tục hành trình 60 năm Điện Biên

15:16 28/05/2014

Về với đất Quảng mùa hè năm 2014, nguyện vọng đầu tiên của đoàn CBGV Trường Nguyễn Siêu là được viếng thăm nơi an nghỉ và thắp nén nhang thành kính dâng lên Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người anh hùng vĩ đại của dân tộc đang nằm lại nơi đất thiêng Vũng

 
TIN LIÊN QUAN:
 
 
Giữa nắng trưa, chúng tôi nhìn thấy bao người đồng bào từ Bắc – Trung – Nam bên nhau cùng chờ đợi để được thăm viếng Người. Chúng tôi thầm thì những lời nguyện cầu gửi tới anh linh Đại tướng, mong cho đất nước ta được hòa bình mãi mãi, dân tộc ta sẽ trường tồn...
 
Đoàn chuẩn bị lên viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
 
Không chỉ là nguyện vọng của mỗi cá nhân, viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp là hoạt động nối tiếp hành trình 60 năm Điện Biên đã được cả nước nói chung và Trường Nguyễn Siêu nói riêng nhiệt tình hưởng ứng. Người con anh hùng của đất Quảng Bình đã làm nên lịch sử trong Chiến dịch Điện Biên, nay về với đất Quảng quê nhà để vĩnh viễn nằm lại, chở che mãi mãi cho một dải non sông.

Chúng tôi đến Vũng Chùa – Đảo Yến (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) trong một buổi sáng ngả về trưa. Người nằm đó, “giữa sóng vỗ rì rào, giữa ánh trăng tà bảng lảng, giữa Hoành Sơn rợp bóng, giữa tiếng thuyền chài vỗ lưới, giữa đàn cá tung tăng bơi lội, giữa bầy chim niệc bên bãi vảy rồng, giữa hàng cây phi lao tỏa bóng, giữa những hạt cát trắng mịn tinh khiết, giữa tiếng gà trưa bên kia núi Rồng của người Thọ Sơn nuôi nấng”.
 
Được thắp nén nhang trước mộ chí Người, ai nấy đều rưng rưng cảm động

Việc chăm lo chu đáo mộ chí Đại tướng do các chiến sĩ biên phòng canh gác ngày đêm thuộc đồn biên phòng Roòn phụ trách. Chúng tôi xúc động biết rằng, dẫu mỗi ngày có hàng ngàn người về viếng mộ, lại có các chiến sĩ biên phòng ngày đêm nâng giấc cho Người, nhưng dân làng Thọ Sơn, nơi có Vũng Chùa - Đảo Yến, nơi có núi Rồng tịnh giấc thiên thu của Đại tướng vẫn đều đặn khói hương mộ chí. Dù trong nắng dãi mưa dầm, trong vất vả mưu sinh thường nhật với sắn khoai ở vùng đất khô cằn sỏi đá, họ vẫn dành những cành hoa thơm, những nén nhang đượm dâng lên Đại tướng.

Chúng tôi, những cán bộ - giáo viên – nhân viên của Trường Nguyễn Siêu kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Người Đại tướng vĩ đại của dân tộc, nguyện cùng nhau góp sức mình cho Tổ quốc, cho sự nghiệp “trồng người” mà chúng tôi đã và đang tự hào được chung phần vun đắp.
 
Quảng Đông là một địa phương hẻo lánh cuối cùng của tỉnh Quảng Bình ở phía biển. Hệ núi Trường Sơn kéo ra biển thành dãy Đèo Ngang hùng vĩ, cấu tạo địa chất ở đây là đất đá khô cằn, nhưng là nơi phát tích rất nhiều huyền thoại về những danh nhân xa xưa.

Dưới chân Hoành Sơn Quan, thôn Minh Sơn đựng trong lòng một loạt di tích người xưa để lại, trong đó đặc biệt linh thiêng là đền thờ mẫu Liễu Hạnh Công Chúa, ngôi đền nhỏ dưới bóng dáng núi non trùng điệp đã có hơn 500 năm hiển linh, được người đời không chỉ trong vùng mà ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa… vào viếng hương hằng niên.

Những ngọn núi chạy dài phía thôn Minh Sơn cắt mảnh đất này thành nhiều thung lũng khác nhau, tạo ra các hòn đảo nhỏ như Hòn La, Mũi Ông, Hòn Cỏ, Đảo Yến, Đảo Chim, Hòn Nồm, Hòn Bớc…

Nhưng có một địa danh mà theo người dân địa phương là rất thiêng, chỉ dành cho bậc khai quốc, hoặc hiển đạt khoa bảng mới có thể an nghỉ vĩnh hằng để hộ vệ quốc gia cho con cháu ngàn đời thanh bình.

Địa danh ấy, không hề tìm thấy trên bản đồ của Google, không thể có trên trang thông tin của cỗ máy tìm kiếm này. Trong các di cảo của người xưa viết về Đèo Ngang, cũng như địa chí Quảng Bình từ mấy trăm năm nay, địa danh ấy không hề biết đến. Nhưng người dân địa phương chỉ những bậc cao niên tinh ý mới biết đó là nơi chốn xứng tầm cho người có công trạng lớn với quê hương. Ấy là Mũi Rồng.

Dưới núi Mũi Rồng là thung lũng Rồng hết sức nên thơ, ở giữa núi Mũi Rồng cao sừng sững, hai bên chạy theo hướng vòng cung đông nam, địa hướng lý tưởng, không lệch bất cứ một phút, một giây nào khi đưa la bàn ra kiểm chứng.

Nhìn lên ngọn núi chính diện trung tâm, đỉnh của nó như cái mào rồng, thẳng trục đông nam, biển giữa bãi Rồng với Đảo Yến kín gió, thanh bình, đất này quá thiêng, long mạch rất đẹp.

Giữa thung lũng Rồng có đến 3 con suối chảy về phía biển, chia đều thung lũng thành ba gian rất đẹp. Người dân cho biết, trong 3 con suối này, có một con suối được xem là suối chính, mùa hè hạn hán nặng vẫn không hề hết nước. Nghe người dân bản xứ nói lại, Đảo Yến nhiều năm trước vắng chim yến, nhưng hai năm nay chim yến về rất nhiều.

Bãi biển trước Mũi Rồng là một cấu tạo địa chất của đá khác hẳn các bãi biển khác, những thớ đá xếp lên nhau như những chiếc vảy của con rồng đang ngơi nghỉ, hàng vạn hàng vạn những chiếc vảy ấy được sóng biển gột rửa mỗi ngày nên chúng sáng láng vô cùng. Nếu có người anh hùng yên nghỉ nơi đây thì Mũi Rồng là nơi linh thiêng của đất, trời, nơi sót lại cuối cùng chưa đưa vào dư địa chí, nơi thảo dã cho người anh hùng thanh thản thiên thu.
 
(Một Thế Giới)
 
(Còn nữa)
 
Nhuệ Anh