HÀNH TRÌNH KINH BẮC - VỀ VỚI MIỀN VĂN HÓA XƯA

17:10 04/11/2019

Trong hai ngày 31/10 và 1/11, học sinh lớp 7 đã được trải nghiệm tham quan mảnh đất Kinh Bắc. Qua đó, thu thập cho mình những kiến thức thú vị về các triều đại nhà Lí, kiến trúc, văn hóa tại Đền Đô, thưởng thức và tập hát những làn điệu dân ca quan họ ngọt ngào, đồng thời cũng tự mình hoàn thiện những bức tranh Đông Hồ trên giấy dó.

Như thường lệ, năm nay học sinh Nguyễn Siêu lại tìm về mảnh đất Kinh Bắc ngàn năm văn hiến, để một lần được tắm mình trong không khí ngàn xưa, chạm tay vào những giá trị văn hoá lịch sử mà người dân nơi đây đã giữ gìn qua tháng năm.

Về Kinh Bắc là về với Đền Đô, chốn thiêng liêng thờ 8 vị vua nhà Lý. Tại đây, học sinh được tận mắt chứng kiến những dấu tích lịch sử để những kiến thức về Chiếu dời đô, Nam quốc sơn hà... hay những triều đại phong kiến rực rỡ tự ngấm vào trong vốn hiểu biết của mình. Những Lý Công Uẩn, Nguyên phi Ỷ Lan, Lý Thường Kiệt... không còn là những nhân vật lịch sử xa xôi nữa, mà câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp của họ đã trở nên gần gũi và bình dị.

Cúi đầu thành kính trước chốn linh thiêng thờ 8 vị vua nhà Lí

Tận mắt chứng kiến và nghe thuyết minh về lịch sử, kiến trúc Đền Đô

Về Kinh Bắc còn là về với những liền anh, liền chị trong những làn điệu quan họ bổng trầm. Còn duyên, Mười nhớ, Tương phùng tương ngộ,... các em vừa được xem, được nghe biểu diễn lại vừa được mặc áo tứ thân, đội khăn xếp học thuộc ngay tại chỗ những bài quan họ cổ có ca từ sâu lắng.

Cùng nhau học hát 

Và biểu diễn

Về Kinh Bắc cũng là về với làng tranh Đông Hồ, mảnh đất dẫu đã mai một khá nhiều vẫn còn một vài gia đình bám trụ với nghề tranh để giữ gìn vốn cổ. Tại nhà nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, các em đã được nghe về lịch sử làng tranh, cách thức làm ra một bức tranh kỳ công, tỉ mỉ và tự tay mình hoàn thiện công đoạn cuối cùng của một Đám cưới chuột hay Vinh hoa - Phú quý... “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” – đó là những câu thơ vang lên như một niềm tự hào, kiêu hãnh về nét văn hóa đặc sắc có một không hai của dân tộc.

Nghe nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế giới thiệu về tranh Đông Hồ

Tự tay làm những bức tranh độc đáo nữa

Sau chuyến đi, các bạn học sinh không chỉ mang về cho mình bức tranh quý giá tự làm, những kiến thức bổ ích về lịch sử, văn hóa, mà điều quan trọng hơn cả chính là lòng tự tôn dân tộc. Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của bạn Đỗ Ngọc Diệp (học sinh lớp 7VI2) về chuyến đi vừa qua nhé!

"Không giống như những ngày khác, hôm chúng con đi Bắc Ninh, trời mưa rất nhiều và lạnh. Đi từ đền Đô ra Thủy đình mà cứ như đi từ Hà Nội đến Thuận Thành, Bắc Ninh. Khi chúng con được nghe các nghệ sĩ hát quan họ, dường như khí nóng lan tỏa khắp Thủy đình, mọi người đều cảm thấy ấm áp dù bên ngoài gió vẫn cứ rít từng đợt. Bạn này che áo cho bạn kia, bạn này sưởi ấm cho bạn kia, các bạn che chở cho nhau, chăm sóc cho nhau. Thần khí trong đền Đô đã làm cho các bạn yêu thương nhau chăng? 

Qua chuyến đi này, con thấy được rằng Lịch sử nước ta rất đặc sắc, hào hùng, vẻ vang và thú vị, dân ca quan họ Bắc Ninh là một bản sắc, tiếng nói, tâm hồn của nhân dân Việt Nam và tranh Đông hồ cũng như vậy. Con thấy việc làm tranh Đông Hồ không hề đơn giản một chút nào. Chúng ta phải in sao cho đúng chỗ, quét mực sao cho đều, tất cả mọi thứ đều làm một cách rất tỉ mỉ và cẩn thận. Con rất yêu tranh Đông Hồ vì tranh Đông Hồ là bước tiến quan trọng cho nền Mĩ thuật Việt Nam và nếu không có tranh Đông Hồ thì cũng không có Việt Nam ngày hôm nay. Hiện tại, UNESCO đang quyết định có vinh danh tranh Đông Hồ là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn hay không? Con thấy tranh Đông Hồ hoàn toàn xứng đáng có được chức danh ấy. 

Con muốn quay trở lại đây thêm nhiều lần nữa vì không khí ở Thuận Thành rất trong lành và mát mẻ. Hơn nữa, người dân ở đây vô cùng thân thiện khiến con không có cảm giác nơi đây là nơi “ đất khách quê người” mà Thuận Thành như là nhà, là làng quê yêu dấu của con vậy!"

(Đỗ Ngọc Diệp - học sinh lớp 7VI2)