“Một vé đi tuổi thơ” – tiết học đặc biệt dành tặng cha, mẹ

08:10 30/09/2019

Một “tiết học” kéo dài hơn hai giờ đồng hồ - vượt qua khuôn khổ một tiết học thông thường được thiết kế dành tặng riêng Cha mẹ học sinh khối 6 đã diễn ra vào sáng 28/9/2019 tại Trường Nguyễn Siêu, trong khuôn khổ của Buổi gặp mặt Cha mẹ học sinh đầu năm học 2019 - 2020.

“Tiết học” được dẫn dắt bởi Ban đại diện học sinh khối 6, dưới sự “đạo diễn”, tư vấn và kết nối của các chuyên viên phòng Tâm lý; đặc biệt là sự tham gia của PGS.TS Trần Thị Lệ Thu – chuyên gia lĩnh vực xây dựng trường học hạnh phúc, trưởng bộ môn Tâm lý học ứng dụng, Khoa Tâm lý – Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Các con học sinh đã khiến các bậc CMHS vô cùng thích thú khi bắt đầu “giờ học” bằng việc nghe ca khúc “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” và bằng một “bài kiểm tra” ngắn dưới hình thức trò chơi Kahoot. Các câu hỏi đặt ra trong “bài kiểm tra” rất gần gũi với... các con, như: Con học bao nhiêu môn học? Con học với bao nhiêu thầy, cô?; Con thích trò chuyện với ai hơn?; Điều khiến con buồn nhất là gì?... nhằm “đo” mức độ hiểu con của cha mẹ. 

Thông qua những câu hỏi ấy, các bậc CMHS và các con đã có dịp “nhìn lại chính mình”, thẳng thắn phân tích, lí giải nguyên nhân của những hiện tượng xoay quanh ba vấn đề: thời gian cha mẹ dành cho con, áp lực học tập và những rung động đầu đời, cũng như những mong muốn của các con đặt ra: vì sao con thích trò chuyện với bạn bè hơn? Vì sao con buồn khi bị bố mẹ so sánh với người khác và bị quát mắng? Hay mong muốn bố mẹ dành thời gian đi chơi cùng con, kiên nhẫn lắng nghe con... Nhiều cha mẹ, ông bà cũng rất cởi mở khi “trải lòng” về những câu chuyện trong chính gia đình mình về cách dạy con, thiết lập những quy định trong nhà hay cách để nuôi dưỡng lòng nhân ái cho con trẻ... Cha mẹ cũng thừa nhận rằng “trẻ con có rất nhiều trường, lớp, thầy cô dạy dỗ học hành, cư xử nhưng lại chưa có trường lớp nào dạy người lớn cách làm cha, mẹ...”. Các con cũng phải thừa nhận rằng: đôi lúc không thích phải làm theo các quy tắc bố mẹ đặt ra vì thích tự do, không thích sự gò bó và có bản tính bướng bỉnh... 

Song song với cuộc trao đổi của bố mẹ và các con là sự tham gia của PGS.TS Trần Thị Lệ Thu. PGS.TS đã lí giải cặn kẽ nguyên nhân của những thực trạng trên dưới góc độ tâm lý học đồng thời tổ chức một trải nghiệm nhỏ với tên gọi “Quả táo yêu thương” nhằm “vẽ đường” - giúp cha mẹ và các con thu hẹp khoảng cách với nhau, đó là lời khuyên: cha mẹ hãy quan tâm, lắng nghe con mình bằng cả tâm trí và trái tim; hãy là tấm gương cho con về việc kiềm chế cảm xúc; tìm hiểu và tìm cách phát huy những tố chất của con; dạy con giao tiếp kiên định... Cô Lệ Thu khẳng định: “Cha mẹ hãy đồng hành cùng con, vừa làm bạn với con nhưng đồng thời cũng là những người dẫn đường thông thái cho con”.

Bởi vì “cha mẹ đã từng là trẻ con nhưng chúng con lại chưa từng được làm cha mẹ” nên: Bố mẹ hãy thử đặt mình vào con và bố mẹ có thể hiểu con! Bố mẹ dành nhiều thời gian hơn cho con được không ạ? Con muốn bố mẹ lắng nghe và thấu hiểu con hơn, luôn lắng nghe điều con nói; Tớ muốn nói với bố mẹ là bố mẹ có thể chơi cùng con không vì tớ với bố mẹ ít chơi cùng nhau mà chỉ cùng nhau làm bài thôi chứ không chơi cùng mình; Con muốn gia đình chúng ta dành thời gian cho nhau và chia sẻ với nhau khi vui và buồn... chỉ là một vài trong số rất nhiều tâm sự mà các con gửi đến cha mẹ mình ở phần cuối của “giờ học”.

Có thể nói “tiết học” đặc biệt này đã mang đến cho các bậc cha mẹ học sinh và cả chuyên gia tâm lí thật nhiều cảm xúc: sự vui vẻ, thú vị, sự xúc động và cả những nỗi niềm suy tư... Ấn tượng về “tiết học” ấy còn đọng lại trong tâm trí thầy cô, cha mẹ bởi sự chuyên nghiệp trong cách làm việc, sự thông minh, sắc sảo trong tư duy và phản biện... của các con học sinh. PGS.TS Trần Thị Lệ Thu đã chia sẻ rằng: “Tôi đã có thể tìm ra được 4 bạn làm cộng sự cho phòng tham vấn tâm lí của mình...” sau khi cô ngồi lắng nghe và cùng các cô giáo chủ nhiệm quan sát cách các con làm việc và bày tỏ quan điểm của bản thân. Đặc biệt hơn, có một ông bố còn hỏi ý kiến các bạn nhỏ về suy nghĩ của bản thân: “Chú muốn cho con chú đi học thêm, theo các cháu nghĩ là việc đó có cần thiết không?” và khá hài lòng với sự “tư vấn” của các con: “70-80% các bạn không thích đi học thêm. Chúng cháu nghĩ là chú cần xem khả năng của bạn ấy đến đâu, nếu bình thường thì không cần đi học thêm còn nếu kém quá hoặc bạn ấy học giỏi có thể đi học thêm để nâng cao trình độ của mình”...

***

Cũng trong khuôn khổ của buổi gặp mặt đầu năm học, các bậc CMHS đã được lắng nghe thầy giáo Calder – giáo viên dạy bộ môn Science trao đổi về lộ trình học tập của các con tại trường, mục tiêu của từng bộ môn các con đang học, các kì thi quan trọng. Bên cạnh đó, thầy cũng chia sẻ và giải đáp nhiều câu hỏi của CMHS về cách hỗ trợ con học tập, thời điểm thích hợp để con đi du học...

Buổi gặp mặt CMHS đầu năm học là một “món quà” mà Ban giám hiệu nhà trường và các giáo viên chủ nhiệm khối 6 gửi tặng đến các bậc CMHS xuất phát từ thực tế “mắt thấy, tai nghe” trong quá trình quản lí, chăm sóc và quan sát các con học sinh mỗi ngày ở trường, với mong muốn mang lại lợi ích tốt nhất cho các con học sinh, hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc và phát triển bền vững. Hy vọng rằng, với những trải nghiệm thú vị và ý nghĩa ngày hôm nay, CMHS và nhà trường có thể đồng hành cùng các con, để các con có một năm học lớp 6 thật thành công và thật nhiều hạnh phúc!
 



“Bài kiểm tra” mở đầu tiết học về tuổi thơ

 

 

Cha mẹ cùng các con tham gia trải nghiệm “Quả táo yêu thương” của PGS.TS Trần Thị Lệ Thu

  • Thu Hiền