NGƯỜI THẦY LÀM HIỆU TRƯỞNG NĂM 20 TUỔI

13:30 20/11/2023

(VnExpress.net) - Trở thành hiệu trưởng ở tuổi 20 rồi gắn bó với bục giảng nhiều năm, ông Vĩnh hụt hẫng khi về hưu, quyết định mở trường tư thục với nhiều bước đi táo bạo.

Một ngày đầu tháng 11, ông Nguyễn Trọng Vĩnh, người sáng lập trường Tiểu học và THCS-THPT Nguyễn Siêu, Hà Nội, ngồi trước máy tính, đeo tai nghe, bật ca khúc "Bài ca người giáo viên nhân dân", trước khi soạn thảo văn bản.

Ở tuổi 88, với 69 năm tuổi nghề, năm nay, ông là nhà giáo duy nhất được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị xét duyệt danh hiệu Nhà giáo nhân dân. Ông cũng là người cao tuổi nhất trong danh sách 34 người được đề cử danh hiệu này.

"Tôi rất vui mừng, xin dành vinh dự này cho các thế hệ thầy trò, đặc biệt là những phụ huynh đã giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ", ông Vĩnh nói.

Thầy Nguyễn Trọng Vĩnh trong phòng làm việc ở trường Nguyễn Siêu hồi tháng 10. Ảnh: Dương Tâm

Ông Nguyễn Trọng Vĩnh trong phòng làm việc ở trường Nguyễn Siêu. Ảnh: Dương Tâm

Ông Vĩnh sinh ra ở làng quê nghèo, nay thuộc TP Hải Phòng. Mồ côi năm 13 tuổi, ông tham gia cách mạng, làm liên lạc cho Việt Minh ở xã. Với dáng người "nhỏ nhắn, nhanh nhẹn", sau những lần vượt hàng chục cây số vừa đi bộ, vừa bơi sông để làm nhiệm vụ, ông được văn phòng huyện ủy rồi tỉnh ủy, sau này là thành ủy, giữ lại làm việc.

Được đánh giá cao, song còn hạn chế trình độ văn hóa, ông Vĩnh được cử đi học bổ túc văn hóa ở chiến khu Việt Bắc. Ông kể khi lên tới nơi, ông gặp Thứ trưởng Nguyễn Khánh Toàn, được làm văn phòng nhờ "biết đánh máy chữ bằng 10 ngón tay", trong lúc chờ lớp bổ túc mới.

Ông kể một hôm thứ trưởng hỏi "Chú có thích sang Trung Quốc học không?", ông nhận lời ngay. Sau ba năm Sư phạm ở khu học xá Nam Ninh, khi Hà Nội giải phóng năm 1954, ông được đặc cách tốt nghiệp, cùng 14 người khác trở về tiếp quản công tác thanh thiếu niên trường học.

Năm tròn 20 tuổi, ông Vĩnh được phân công làm hiệu trưởng trường Tiểu học Đông Ngạc, một ngôi trường cổ với 5-6 lớp.

"Đó là kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời tôi, là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề. Nhưng thời kỳ ấy anh em hăng say lắm. Cho nên về đến đâu, vào môi trường nào, chúng tôi đều mang tới luồng không khí mới của cách mạng", ông Vĩnh nói.

Thầy giáo trẻ Trọng Vĩnh sau đó trở thành chuyên viên của Sở Giáo dục Hà Nội, trước khi học trường đào tạo cán bộ giảng dạy Chính trị rồi trở thành giảng viên dạy Triết ở Trung sơ cấp Sư phạm Hà Nội, nay là trường Đại học Thủ đô.

Ông Vĩnh kể chuyện từ Trung Quốc về Hà Nội tiếp quản thủ đô. Video: Dương Tâm

Năm 1965, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đến giai đoạn cam go nhất, Đảng và nhà nước điều động cán bộ chính trị bổ sung cho quân đội. Sau những tháng đào tạo cấp tốc ở trường Sĩ quan Chính trị, thầy giáo 30 tuổi làm cán bộ chính trị ở binh chủng Công binh.

Suốt 25 năm, ông bôn ba khắp các chiến trường, từng bị dập một bên phổi, thủng màng nhĩ hai lần khiến tai phải không nghe được. Năm 1989, ông nghỉ hưu khi giữ hàm Đại tá. Thấy hụt hẫng, ông nghĩ phải làm gì đó. Và ông làm thật, cả việc xây dựng lẫn đóng lều chõng bán nước ở Phùng Hưng. Một thời gian sau, ông tham gia Trung tâm hỗ trợ giáo dục miền núi, đi khắp các trường học xa xôi từ Mường Khương đến các tỉnh miền núi phía Bắc. Gặp gỡ nhiều thầy cô, ông nhớ lại thời gian đứng bục giảng rồi tự hỏi "Tại sao không mở trường để dạy học".

Được sự giúp sức của Giám đốc Sở Giáo dục khi đó, ông Vĩnh cùng vợ mở trường dân lập, lấy tên Nguyễn Siêu, sau khi "điểm danh nhưng chỉ thấy trường mang tên Thánh Quát mà không có Thần Siêu".

Nhận quyết định thành lập vào ngày 11/9/1991 nhưng đến năm học 1992-1993, trường mới có khai giảng đầu tiên với 132 học sinh chia thành 5 lớp cấp 2 và 3. Đến năm sau, ông thành lập thêm trường tiểu học với hai lớp 1, mỗi lớp 40 em.

Ông kể trường có pháp lý, nhưng chỉ là "trường trên đôi quang gánh" vì phải thuê mượn 8 địa điểm trong suốt 12 năm. Những chỗ thuê mượn đều rất xấu, như khu vực sân sau đầy cỏ dại ở trường Thành Công với những dãy nhà cấp 4 cho công nhân ở. Ông phải tìm cách khiến ngôi trường khang trang hơn.

"Anh em công binh giúp tôi rất nhiều, từ gạch ngói, xi măng, đất cát, đến cử người sửa sang giúp. Người dân xung quanh cũng ủng hộ bằng việc tặng bàn ghế cũ", ông Vĩnh kể.

Dù phải thuê mượn, ông Vĩnh chủ trương "thầy dạy giỏi, trò chăm ngoan". Học sinh đầu vào thấp do trượt công lập mới vào dân lập nhưng phải ngoan mới được nhận. Về giáo viên, ông mời thầy cô giỏi từ trường Hà Nội - Amsterdam và Chu Văn An đến dạy. Ông cũng cho học sinh học Tin trên máy tính, mời thầy ở Học viện Kỹ thuật quân sự. Thời điểm đó, hiếm trường làm được điều này. Hai vợ chồng vay mượn để đủ tiền trả lương giáo viên.

Bấy giờ, học trò thường gọi "thầy" xưng "em" nhưng ông Vĩnh cho rằng quan hệ thầy trò phải như người cha, người mẹ dạy con nên yêu cầu học sinh xưng "con". Học sinh trường khác ngày chỉ học một buổi nhưng tất cả học sinh trường Nguyễn Siêu học hai buổi do đầu vào thấp, cần bù đắp kiến thức.

Kết quả, 100% học sinh khóa đầu tốt nghiệp THPT, 72% vào đại học, cao đẳng, trung cấp.

Ông Vĩnh và bà Dương Thị Thịnh cùng học sinh trường Nguyễn Siêu tại cầu Thê Húc, bên Tháp Bút - biểu tượng logo của trường. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Ông Vĩnh và bà Dương Thị Thịnh cùng học sinh trường Nguyễn Siêu. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Sau này, trường Nguyễn Siêu được cấp đất và vay vốn ưu đãi để xây dựng. Năm 2004, trường chuyển đến vị trí hiện tại ở quận Cầu Giấy. Tỷ lệ đỗ đại học 5 năm qua đạt 100%, trường cũng phát triển thành trường song ngữ quốc tế Cambridge, nhiều học sinh đạt học bổng du học nước ngoài.

Mong muốn của thầy Vĩnh là Nguyễn Siêu trở thành trường quốc tế, dạy bằng tiếng Anh và mọi học sinh được học ngôn ngữ thứ hai, có thể là tiếng Trung.

"Tôi cũng muốn trường có thêm bậc mầm non để đào tạo học sinh từ 3 tuổi", người thầy gần 90 tuổi chia sẻ.

Dương Tâm

(Bài gốc: https://vnexpress.net/nguoi-thay-lam-hieu-truong-nam-20-tuoi-4674609.html)