To-do list và lợi ích không ngờ

15:00 06/12/2021

To-do list thực chất có ảnh hưởng đến tâm lý và não bộ của bạn, khiến nó trở thành phương pháp được yêu thích.

Lập danh sách kế hoạch những việc cần làm (to-do list) là một bí quyết cơ bản giúp ta tăng năng suất trong học tập và làm việc nói riêng cũng như trong cuộc sống. Tuy nhiên sự thật là rất nhiều người không biết phải lên sao cho đúng. Và bi kịch là nếu làm sai, cái danh sách ấy còn hại bạn nhiều hơn là không lập.

Một sai lầm cơ bản khi lập "to-do list" là chúng ta liệt kê những việc quá nhỏ nhặt. Sau vài công việc có vẻ quan trọng, bạn bắt đầu ghi hàng tá những công việc vụn vặt, biến bản danh sách thành một cái "Sớ Táo Quân" dàn trải và thiếu khoa học.

Làm thế nào để thoát khỏi tình trạng này?

Hãy tham khảo Nguyên tắc 1-3-5.

Về cơ bản, một to-do-list chỉ nên có 9 hạng mục, được chia như sau:

1: là một nhiệm vụ quan trọng nhất, được ưu tiên nhất để giải quyết (cuộc họp, gặp đối tác, ôn tập cho bài kiểm tra...);

3: là 3 công việc ưu tiên thứ hai - làm bài tập, hoàn thành dự án..;

5: là 5 việc nhỏ nhặt, dễ dàng để hoàn thành (việc nhà...).

Nghe có vẻ ít? Nhưng dù muốn hay không, một ngày cũng chỉ có 24h, và ta cũng chỉ có thể hoàn thành được một số lượng công việc nhất định. Tập trung vào danh sách 1- 3- 5 nghĩa là những việc bạn cần hoàn thành sẽ là những việc bạn đã chọn. Điều đó chẳng phải tốt hơn so với việc có vấn đề gì xảy đến thì mới giải quyết, hay là nhớ ra việc gì rồi mới ghi vào? 

Việc thiếu rõ ràng có tác động lớn đến sự sắp xếp thời gian của bạn, cũng như năng suất làm việc và học tập của bạn. Ưu tiên hoàn thành những việc bạn đã ghi trong danh sách 1-3-5 sẽ làm bạn cảm thấy hài lòng và trọn vẹn hơn cho một ngày của mình.

Thật đơn giản phải không? Vậy tại sao bạn không thử áp dụng ngay để có những ngày học tập, ôn luyện thật hiệu quả nhỉ!

(Tham khảo: Curiosity/Kenh14/Vietcetera)