K12 về miền thông reo Côn Sơn - Kiếp Bạc

11:17 26/11/2018

Cuộc hành hương tới miền đất địa linh nhân kiệt, chiêm bái chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc, đền thờ Nguyễn Trãi, đền thờ Trần Nguyên Đán, đền thờ Chu Văn An... - nơi thờ phụng những nhân vật kiệt xuất, niềm tự hào của dân tộc Việt Nam đã đem tới cho những học sinh cuối cấp THPT miền cảm xúc tươi mới, thiêng liêng; tiếp thêm nghị lực và bản lĩnh để mạnh mẽ tiến về đích: vượt vũ môn thành công trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.

Rừng ở Côn Sơn chủ yếu là thông, bạt ngàn, xanh tốt. Chung quanh Chùa Côn Sơn là những cây thông cổ thụ. Bước qua cổng chùa là một hàng thông trải dài tít tắp như chào đón. Trong thơ Nguyễn Trãi, suối Côn Sơn chảy rì rầm từ Bắc xuống Nam, giống như tiếng đàn cầm vang vọng giữa rừng núi mênh mông, luồn qua cây cầu Thấu Ngọc. Đến Côn Sơn vào mùa thu đông, nước chảy ngầm dưới lòng đất, nhưng tiếng suối rì rầm trong thơ ca từ hàng trăm năm trước như vẫn còn đâu đây, dưới tán thông rì rào thơm mát.

GVCN và học sinh toàn khối 12 năm học 2018-2019 trước Đền Kiếp Bạc, ngày 24/11/2018
(Toàn bộ album ảnh chuyến đi xin xem tại đây!)

CHÙA CÔN SƠN (hay còn gọi là chùa Kỳ Lân, chùa Hun), tọa lạc ở chân núi Kỳ Lân (núi Hun). Chùa có tên chữ là Thiên Tư Phúc tự. Tương truyền, năm Hưng Long thứ 12 (1304), nhà sư Pháp Loa đã cho xây dựng một ngôi chùa nhỏ ở chân núi Kỳ Lân, giao Huyền Quang trụ trì. Đến năm Khai Hựu thứ nhất (1329), chùa được trùng tu, mở rộng thành Côn Sơn Thiên Tư Phúc tự, một trong các trung tâm của thiền phái Trúc Lâm. Đến thời Lê, chùa tiếp tục được trùng tu, mở rộng lớn với 83 gian tòa ngang dãy dọc, gạch đỏ, ngói để men màu và 385 pho tượng. Tuy nhiên, trải qua biến thiên của lịch sử, chùa đã bị thu nhỏ lại với kiến trúc hiện nay hình chữ công (工), gồm 3 toà: Tiền đường, Thiêu hương và Thượng điện. Thượng điện thờ Phật, trong đó có những bức tượng Phật cao 3m, mang đậm phong cách nghệ thuật thời Lê.

ĐỀN KIẾP BẠC là điểm nhấn của Khu di tích Kiếp Bạc. Kiếp Bạc vốn là tên ghép của hai vùng Vạn Yên (làng Kiếp) và Dược Sơn (làng Bạc), được xây dựng vào đầu thế kỷ 14. Phía trước Đền Kiếp Bạc có cổng lớn nguy nga, đồ sộ, với ba cửa ra vào. Trên mặt ngoài cổng có 9 chữ lớn: phía trên là 4 chữ “Hưng thiên vô cực”, phía dưới là 5 chữ “Trần Hưng Đạo Vương từ” và hai cột câu đối “Kiếp Bạc hữu sơn giai kiếm khí - Lục Đầu vô thủy bất thu thanh” nghĩa là “Kiếp Bạc muôn ngọn núi đều có hùng khí của kiếm thiêng - Lục Đầu không còn nước nào chẳng vọng tiếng thu”. Qua cổng lớn, bên trái có Giếng Ngọc mắt rồng.

Đền Kiếp Bạc có 3 tòa điện lớn. Tòa điện giữa, đặt tượng thờ Trần Hưng Đạo đường bệ, uy nghi. Tòa điện ngoài, đặt tượng thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão (con rể Trần Hưng Đạo). Tòa điện trong, đặt tượng thờ Quốc mẫu Thiên Thành công chúa (phu nhân của Trần Hưng Đạo) và hai con gái là Đệ nhất Khâm từ Hoàng hậu Quyên Thanh công chúa (vợ vua Trần Nhân Tông), Đệ nhị Nữ hoàng Anh Nguyên quận chúa (phu nhân của tướng quân Phạm Ngũ Lão). Trong đền Kiếp Bạc còn đặt 4 bài vị thờ 4 con trai của Trần Hưng Đạo...

ĐỀN THỜ NGUYỄN TRÃI có tên chữ là “Ức Trai linh từ”, tọa lạc trên diện tích 10.000m² dưới chân núi Ngũ Nhạc nằm trong khu vực Thanh Hư Động và gần nơi ngày xưa từng có đền thờ bà Trần Thị Thái – thân mẫu của Nguyễn Trãi. Đền tựa lưng vào Tổ Sơn, hai bên dựa vào hai dãy núi Ngũ Nhạc và Kỳ Lân tạo thế tả thanh long, hữu bạch hổ. Minh đường của đền nhìn ra hồ Côn Sơn, nơi có núi Phượng Hoàng, Chúc Thôn chầu vào. Dòng suối Côn Sơn chảy từ Bắc xuống Nam, uốn lượn từ phải qua trái ôm lấy đền.

Tại đây vẫn còn lưu giữ những bức hoành phi, câu đối với nội dung thể hiện tâm hồn, cốt cách, tài năng, công đức lớn lao của Nguyễn Trãi và tấm lòng thành kính, biết ơn của nhân dân đối với ông.

ĐỀN THỜ TRẦN NGUYÊN ĐÁN được xây dựng năm 2004, gần thượng nguồn suối Côn Sơn, tại vị trí mà hơn sáu trăm năm trước ông đã dựng nhà để nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già.

Năm 1385, Trần Nguyên Đán đã đưa vợ và cháu ngoại là Nguyễn Trãi mới 5 tuổi về sống tại Côn Sơn. Tại đây, ông đã cùng vợ trồng rừng thông, bãi giễ và xây dựng quần thể kiến trúc trong núi - động Thanh Hư. Đây là công trình quy mô hoành tráng, bao gồm nhiều hạng mục hài hoà với thiên nhiên, đã trở thành địa danh nổi tiếng, đi vào thi ca, sử sách.

GIẾNG NGỌC nằm ở sườn núi Kỳ Lân, dưới chân Ðăng Minh Bảo Tháp. Tương truyền, vào một đêm rằm tháng bảy, thiền sư Huyền Quang mơ thấy một viên ngọc sáng lấp lánh nằm trên sườn núi Kỳ Lân. Trời sáng, thiền sư cùng các tăng ni lên sườn núi xem xét, khi phát quang bụi sim, mua, thấy một giếng nước trong vắt, uống thử thấy nước ngọt, mát, người khoan khoái. Khi về chùa, thiền sư đã làm lễ tạ thần linh vì ban cho chùa nguồn nước quý và xin được khơi sâu, kè bờ. Từ đó giếng được gọi là giếng Ngọc và các sư trong chùa thường lấy nước giếng để cúng lễ. Đã có thời gian giếng bị cỏ cây che lấp. Năm 1995, giếng đã được đầu tư khơi lại, kè đá, xây bờ, lát sân để tạo cảnh quan chung cho khu du lịch và cũng là để du khách khi về thăm Côn Sơn có dịp uống ngụm nước giếng thiêng.

ĐỀN THỜ CHU VĂN AN tọa lạc trong khu di tích Phượng Hoàng, thuộc địa phận phường Văn An, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương.  Ngôi đền uy nghi, thanh tịnh nằm ẩn mình giữa khu rừng thông xanh ngút ngàn, nổi bật lên hàng chữ “Vạn thế sư biểu”, đặc biệt là bảng khắc chữ “HỌC” rất lớn theo nét bút thư pháp ở trên con đường vào đền thể hiện tấm lòng tri ân của bao thế hệ người Việt đối với người thầy giáo mẫu mực Chu Văn An. Ông là người có công lớn đầu tiên trong việc truyền bá, giáo dục tư tưởng đạo đức Khổng Giáo ở Việt Nam. Trong dịp này, các bạn học sinh cũng có cơ hội được đến xin chữ son, cầu mong cho việc học hành, thi cử được suôn sẻ, đỗ đạt.