Những cuốn sách hay về phụ nữ Việt Nam

22:01 17/10/2022

Nhân ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, Thư viện xin giới thiệu những cuốn sách hay về phụ nữ Việt Nam, mời quý độc giả tìm đọc!

  1. Người mẹ của một thiên tài

Trang bìa cuốn sách Người mẹ của một thiên tài được trình bày đơn giản nhưng thật ý nghĩa với hình ảnh một người mẹ đang tần tảo làm việc nhưng đôi mắt hiền từ vẫn luôn dõi theo chăm sóc cho đứa con nhỏ đang nằm trên chiếc võng. Đó là một hình ảnh đẹp và gần gũi tượng trưng cho vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam nhưng cũng thể hiện được tấm lòng yêu thương dành cho con của tất cả những người mẹ trên thế giới.

Chúng ta có thể thấy ngay nhan đề của cuốn sách cũng rất cuốn hút, gây được sự chú ý lớn của bạn đọc. Không ít người sẽ thắc mắc muốn biết " Người mẹ" và "thiên tài" mà cuốn sách kể đến là ai vậy? Thiên tài được nói đến ở đây chính là Bác Hồ kính yêu - người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam, một vĩ nhân của thế giới. Và bà Hoàng Thị Loan - người mẹ đã sinh ra con người thiên tài ấy.

Trong suốt những năm gắn bó tha thiết với chồng, với con, với gia tộc và làng nước, bà Hoàng Thị Loan đã thể hiện đầy đủ các đức tính đáng quý của người phụ nữ việt Nam: Với tấm lòng cao đẹp của một người mẹ không cam chịu để con mình quá thiếu thốn; với quyết tâm của một người vợ không muốn chồng phải ngừng học tập vì thiếu cơm ăn mà bà đã làm tất cả những gì có thể được thuộc thiên chức của một người mẹ, người vợ: cần cù chịu đựng, âm thầm gánh lấy những trĩu nặng của hoàn cảnh, hi sinh cho chồng, cho con với một niềm tin trong sáng như đoá hoa Đại Huệ lặng lẽ toả hương thầm trong đêm.

Sau mười mấy năm chung sống với ông Nguyễn Sinh Sắc, bà đã để lại cho ông một tài sản vô giá là bốn người con, trong đó có Nguyễn Sinh Cung - sau này trở thành Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới Hồ Chí Minh. 

Đọc những trang sách giúp chúng ta hiểu hơn về cội nguồn đã bồi đắp lên tâm hồn, cốt cách người cha già của dân tộc.

  1. Đạm Phương Nữ Sử - Vấn đề phụ nữ ở nước ta.

Đạm Phương Nữ Sử là một phụ nữ học hạnh tinh nhuần là cháu nội của vua Minh Mạng. Bà có tài sáng tác văn thơ bằng chữ Hán và tinh thông ngoại ngữ. Trong cuộc canh tân dân tộc đầu thế kỷ XX, nhận thấy vai trò của báo chí quốc ngữ, bà đã tham gia tích cực vào các hoạt động báo chí và đời sống xã hội, bắt đầu từ Nam phong, sau cộng tác với nhiều báo và tạp chí khác, từ vấn đề phụ nữ mở sang nhiều vấn đề thiết hữu khác. Những năm giao thời, bà hoạt động sôi nổi nhất trên văn đàn, trở thành nữ kí giả có bút lực đáng khâm phục trong nữ giới nước nhà, đồng thời bà cũng là nhà giáo dục, hoạt động tích cực trong phong trào Nữ công học hội, biên dịch, biên soạn và sáng tác nhiều tác phẩm phục vụ công việc giáo dục nữ giới, giáo dục gia đình và giáo dục nhi đồng. 

Trên cơ sở các sách đã xuất bản về Đạm Phương Nữ Sử và những tài liệu quý do gia đình tác giả cung cấp cập nhật, bổ sung, nhà nghiên cứu Đoàn Ánh Dương đã công phu giới thiệu và tuyển chọn công trình Đạm Phương nữ sử - Vấn đề phụ nữ ở nước ta để nhìn nhận toàn bộ các trước tác của bà trong  sự nghiệp đấu tranh vì nữ quyền.

Cuốn sách gồm 4 phần: Các bài báo trình bày quan điểm về vấn đề phụ nữ; Các bài báo về Nữ công học hội do Đạm Phương sáng lập, Các khảo cứu về vấn đề phụ nữ được in thành sách, và Các sáng tác văn thơ với chủ đề phụ nữ. Đạm Phương Nữ Sử - Vấn đề phụ nữ ở nước ta đã mang lại một cái nhìn tổng quan về những vấn đề thuộc nữ học, giúp phụ nữ thay đổi về nhận thức, điều chỉnh về hành vi khi xã hội Việt Nam bước vào thời kỳ cận hiện đại. Những vấn đề Đạm Phương Nữ Sử đặt ra là những vấn đề giáo dục thiết thân đối với phụ nữ. Những sáng tác văn chương của Đạm Phương Nữ Sử lồng ghép rất khéo những tư tưởng tiến bộ về vấn đề nữ học của bà, giúp mở rộng nhãn quan của phụ nữ bấy giờ về việc tự do kết hôn, giáo dục gia đình. 

  1. Con gái bà Triệu thế kỷ 21

Đây là cuốn sách đặc biệt: Về những người phụ nữ Việt Nam truyền cảm hứng do một  phụ nữ Việt Nam cộng tác với một người phụ nữ ngoại quốc ghé thăm Việt Nam viết, tạo nên một góc nhìn rất khác và khách quan. Con gái bà Triệu thế kỷ 21 gồm những câu chuyện về 20 người phụ nữ đầy dấu ấn vượt qua 3 thế hệ, nền tảng để tạo nên những người phụ nữ thế kỷ 21. Dù là những người rất nổi tiếng, hoặc ít được biết đến hơn nhưng những câu chuyện về họ đều có những bài học quý giá trong cuộc sống, về những khó khăn và ý trí nghị lực của người phụ nữ Việt Nam vươn lên lãnh đạo trong thời điểm xã hội Việt Nam đang thay đổi.

Những câu chuyện được kể với mục tiêu đem hứng khởi sâu sắc tới cho bạn đọc về những khả năng có thể trong cuộc sống. Với hai cách nhìn vừa kết hợp giữa phương Đông và phương Tây, vừa là người dẫn dắt vừa là người khơi mở, bộ đôi tác giả đã kể lại câu chuyện của những người phụ nữ Việt Nam giúp tất cả chúng ta suy ngẫm về cuộc sống và nhìn nó dưới một góc độ khác. Qua đó, cuốn sách sẽ truyền cảm hứng cho chúng ta sống với mục tiêu của mình và biến những giấc mơ của mình thành hành động.

Ba thế hệ phụ nữ được khắc họa trong cuốn sách chưa phải là tất cả và đại diện cho phụ nữ Việt Nam. Nhưng với những đóng góp và cách họ ghi dấu ấn của mình trong xã hội cộng đồng, họ thực sự là những người phụ nữ truyền cảm hứng cho giới nữ và tạo ấn tượng tốt đẹp đối với bạn bè quốc tế.

  1. Những người phụ nữ đẹp mãi trong tôi

Qua cuốn sách Những Người Phụ Nữ Đẹp Mãi Trong Tôi, tác giả Phạm Phương Thảo muốn cho mọi người thấy rằng phụ nữ ngày nay gánh vác nhiệm vụ xã hội nhiều nhưng luôn phấn đấu để chu toàn việc nhà, việc nước. Trong gia đình, người phụ nữ luôn cố gắng nuôi dạy con, tổ chức cuộc sống, điều hòa các mối quan hệ, giữ gìn nề nếp gia phong. Đối với công việc xã hội, chị em phụ nữ đã không ngừng phấn đấu rèn luyện, tích lũy tri thức, vốn sống, vốn văn hóa, vượt qua những khó khăn, áp lực, sẵn sàng nhận lãnh và làm tốt nhiệm vụ được giao. Bằng góc nhìn và cảm xúc ấy, 38 nhân vật nữ đã bước vào trang sách thật nhẹ nhàng.

 

Sách được bố cục theo ba phần:

Phần 1 là những ấn tượng riêng của tác giả qua từng tấm gương sáng ngời nhân cách (như: nữ Bí thư Thành ủy Nguyễn Thị Minh Khai, cô Ba Định, sứ giả hòa bình Nguyễn Thị Bình, dì Bảy Huệ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Rành, dì Hai Được, dì Năm Mè, cô Ba Thi, cô Tám Thanh, cô Tư Duy Liên, cô Nguyễn Thị Chơn…).

Phần 2 là câu chuyện về những người phụ nữ giỏi giang ở các lĩnh vực (như: bà Nakamura Nobuko – vợ cố giáo sư Lương Định Của, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đoàn Thị Ánh Tuyết, Anh hùng lao động Trần Thị Đường, Phạm Thị Việt Nga, Nghệ sĩ nhân dân Trà Giang, Nghệ sĩ ưu tú Ca Lê Hồng, chị Ba Sương, chị Năm Nghĩa, chị Hoa Lệ, chị Xuân Liễu, bác sĩ Phan Kim Phương, nhà báo Hằng Nga, nhà báo Ngọc Hải…).

Phần 3 được tác giả viết về những người phụ nữ trong gia đình mình (đó là hai người bà, má ruột Phan Thị Trinh, mẹ chồng Lý Thị Hai và trích vài trang nhật ký viết cho con gái…).

Qua tác phẩm Những người phụ nữ đẹp mãi trong tôiNhững nhân vật dường như thành huyền thoại bỗng trở lên dễ hình dung hơn, mỗi nhân vật sẽ mang đến cho độc giả những ấn tượng đẹp và đâu đó trong mỗi trang viết, những nhân vật này đều toát lên nét nhẹ nhàng mà lắng sâu.