ĐẾN MƯỜNG CHÀ ĐỂ HỌC YÊU THƯƠNG, THĂM ĐIỆN BIÊN ĐỂ HIỂU ĐIỀU BẤT TỬ

20:30 15/10/2023

14 cán bộ, giáo viên, cha mẹ học sinh và 22 học sinh Nguyễn Siêu (từ lớp 9 đến lớp 12) đã thay mặt cộng đồng NSers lên đường đến với Mường Chà, Điện Biên, trong hành trình thiện nguyện mùa thu năm 2023.

Thực hiện kế hoạch năm học 2023-2024, kế hoạch hoạt động trải nghiệm, kế hoạch hoạt động Công đoàn Trường THCS và THPT Nguyễn Siêu, chương trình tình nguyện “Máy tính đến trường” đã diễn ra tại Trường THPT Mường Chà, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên từ 13-15/10/2023.

Vượt qua chừng 550km đường bộ để đến với Mường Chà, chiếc xe 45 chỗ của đoàn GV, CMHS, HS Nguyễn Siêu đã lăn bánh dọc theo con đường “dốc núi cao cao, nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi". Hầu hết các thành viên trong đoàn chưa từng được đến Điện Biên nên dù phải ngồi tới hơn 10 tiếng trên ô tô song không ai thấy mệt, ai nấy háo hức như được tiếp thêm sức mạnh vô hình. 

Chương trình giao lưu, tặng quà tại Trường THPT Mường Chà đã diễn ra với nhiều khoảnh khắc lắng đọng song cũng không kém phần vui tươi của những người bạn đồng trang lứa, dù lớn lên và học tập trong những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau song có chung niềm tự hào về lịch sử của cha ông, của Tổ quốc và sẻ chia với nhau những khó khăn, thiếu thốn, trao cho nhau nụ cười, cái nắm tay hay cái ôm hoá xa xôi thành gần gụi, truyền cho nhau động lực để vươn lên trong học tập và cuộc sống.

Đại tá, NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh - Người sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Trường Nguyễn Siêu trao quà lưu niệm, giao lưu với thầy trò Trường THPT Mường Chà

Cô Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Siêu thay mặt đoàn tặng quà Trường THPT Mường Chà

15 suất học bổng do CLB cha mẹ học sinh Trường THCS và THPT Nguyễn Siêu gửi tặng

Trong dịp này, Trường THCS và THPT Nguyễn Siêu đã trích quỹ Ước mơ Xanh gửi tặng Trường THPT Mường Chà 15 bộ máy vi tính để bàn và 560 cuốn Sách giáo khoa mới cấp THPT theo chương trình GDPT 2018. Bên cạnh đó, CLB Cha mẹ học sinh Trường THCS và THPT Nguyễn Siêu cũng gửi tặng học sinh Mường Chà 15 suất học bổng. Tổng trị giá các phần quà là 111.600.000 đồng (Một trăm mười một triệu sáu trăm ngàn đồng).

Nụ cười, tiếng hát trên môi, những ấn tượng ấm áp ngày hôm nay sẽ theo mỗi người trong cuộc đời mình

Những khoảnh khắc vui tươi trên sân trường Mường Chà, khi học sinh hai trường có cơ hội giao lưu, trải nghiệm những trò chơi dân gian như ném còn, ném pao, nhảy sạp, múa xoè, giã bánh dày...

Tiền thân là trường Phổ thông cấp II-III Mường Lay, Trường THPT Mường Chà được đặt trên địa bàn của 1 trong 74 huyện nghèo trên cả nước mà đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Năm nào trường cũng có tỉ lệ học sinh nghèo khá cao, luôn tiềm ẩn nguy cơ bỏ học giữa chừng. Năm học 2023-2024, Trường THPT Mường Chà có 21 lớp với hơn 800 học sinh. Học sinh nhà trường chủ yếu là con em đồng bào các dân tộc thiểu số (chiếm 93%) ở các xã ra trọ học, có em nhà cách trường hơn 80km.

Thầy cô Nguyễn Siêu tới thăm khu nội trú của học sinh Mường Chà, nơi chỉ đáp ứng được chưa tới 1/3 nhu cầu ở nội trú của học sinh toàn trường. Nhà vách tôn, thủng và rách nhiều nơi, nóng về mùa hè, gió lùa mùa rét...

Trường hiện có 30 phòng ở nội trú, đáp ứng được 240/700, chỉ được 30% nhu cầu chỗ ở của học sinh (trong đó có 20 phòng nhà tôn lắp ghép theo chương trình 3 cứng: nền cứng, khung cứng, mái cứng song hiện đã xuống cấp: vách thủng, nền nhà lún, nứt, giường nằm một số chiếc bị hỏng, thiếu dát giường, thiếu quạt mát). Các em còn lại phải thuê trọ trong các nhà dân. Chi phí sinh hoạt eo hẹp của học sinh ở xa chủ yếu dựa vào nguồn hỗ trợ theo Nghị định 116/2016 của Chính phủ. Một số học sinh dân tộc thiểu số nhà ở quanh khu vực thị trấn (dưới 10km), dù gia đình khó khăn nhưng không được hưởng hỗ trợ theo nghị định nói trên nên cũng gặp những trở ngại lớn trong việc học tập.

*

Bên cạnh thời gian giao lưu, tặng quà tại Mường Chà, đoàn cũng có một hành trình giàu ý nghĩa: ngược dòng lịch sử, trở về "Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn". Đó là những ngày quân và dân ta chiến đấu kiên cường, dũng cảm, sáng tạo, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "chấn động địa cầu". Toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ "bất khả chiến bại" đã bị quân và dân ta xóa sổ hoàn toàn. Thắng lợi này đã trực tiếp đưa đến việc ký Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương; tạo cơ sở và điều kiện để nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bên ngoài Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Một trường đoạn của bích hoạ panorama “Trận chiến Điện Biên Phủ” mang tới những đợt sóng cảm xúc cho người chiêm ngưỡng. Tác phẩm tái hiện chân thực và sống động những khoảnh khắc điển hình nhất trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là tài sản vô giá, lưu lại những giá trị về lịch sử và truyền thống cho các thế hệ mai sau. Tác phẩm có chiều dài 132m, cao hơn 9m cùng với phần mái vòm liền kề thể hiện mây, trời đã tạo ra một bức tranh có diện tích bề mặt lên đến 3.250m². Tranh được được thể hiện lên toàn bộ bề mặt phía trong của Bảo tàng - tòa nhà hình trụ có đường kính 42m.

Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ có thiết kế hình chiếc nón cối độc đáo, phỏng theo vật dụng bất ly thân của những người chiến sĩ cách mạng trong kháng chiến chống Pháp năm xưa. Trong lòng bảo tàng đặc biệt này là những hiện vật và bức bích hoạ panorama kỳ vĩ bi hùng kể lại bằng ngôn ngữ hội hoạ tả thực diễn biến của trận chiến lịch sử Điện Biên Phủ, đem tới cho người tham quan những trải nghiệm lịch sử vô cùng xúc động.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm dưới chân tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trong một chiều thu lồng lộng mây trời

Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ đánh dấu chiến thắng vẻ vang của dân tộc ta, mang nhiều ý nghĩa lịch sử, được đặt trên đồi D1 nằm ở vị trí trung tâm thành phố Điện Biên Phủ. Tượng có chiều cao 16.6m, chất liệu bằng đồng thau, trong ruột kết cấu bê tông cốt thép, trọng lượng 220 tấn. Quần thể tượng gồm 3 người bộ đội đứng quay lưng vào nhau, nâng một em bé Thái, trên cùng là lá cờ Quyết chiến Quyết thắng.

Từ đền thờ các anh hùng liệt sỹ, đoàn được lắng nghe thêm nhiều câu chuyện lịch sử và trải nghiệm đi xuyên qua những đường hầm khi di chuyển tới đồi A1

Được xây dựng năm 1958, Nghĩa trang liệt sỹ A1 có 644 ngôi mộ là những cán bộ, chiến sỹ quân đội đã hi sinh anh dũng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hầu hết là các ngôi mộ vô danh. Đoàn đã tới dâng hương tại đây trước khi tiếp tục chiêm bái Đền thờ liệt sỹ tại Chiến trường Điện Biên Phủ được xây dựng trên di tích đồi F - ngọn đồi lịch sử từng chứng kiến trận đánh ác liệt nhất của các chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây là công trình có kiến trúc độc đáo, kết hợp hài hòa giữa các yếu tố lịch sử, văn hóa, cảnh quan và tín ngưỡng truyền thống, là một điểm đến tâm linh rất linh thiêng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc. Toàn bộ đền thờ có bố cục được thiết kế tinh tế, tỉ mỉ với các lớp nghĩa sâu sắc. Những câu chuyện và các chi tiết dọc theo lối vào được hướng dẫn viên giới thiệu thật cuốn hút, truyền đi những xúc động nghẹn ngào.

Thầy trò tại di tích Đồi A1

Nước mắt cảm phục, biết ơn những người chiến sỹ đã "chẳng tiếc đời xanh" nơi chiến trường này, cũng là nước mắt tự hào biết mấy vì vô vàn chiến công anh dũng của thế hệ cha ông. Từ đền thờ các anh hùng liệt sỹ, đoàn đã đặt chơi tới Đồi A1 nhìn ra cánh đồng Mường Thanh - cứ điểm quan trọng bậc nhất trong tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ - nơi đã diễn ra trận chiến hào hùng của Quân đội Nhân dân Việt Nam, buộc thực dân Pháp phải đầu hàng. 

Đoàn cũng tới thăm Hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát nằm ở trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thuộc cánh đồng Mường Thanh. Cấu trúc và cách bố trí, sắp xếp của căn hầm vẫn còn được giữ nguyên. Xung quanh hầm là hàng rào phòng thủ với hệ thống dây kẽm gai dày đặc và bốn chiếc xe tăng. Hầm Đờ Cát dài 20m và rộng 8m, bao gồm bốn gian dùng cho cả nơi ở và làm việc. Thầy trò cùng nhau khám phá từng trang sử của 70 năm trước tại nơi này.

Những ngày mùa thu hòa bình, đồng bào ta ở nơi nơi đã được hưởng những bữa cơm thơm mùi lúa mới. Sự sống không ngừng tiếp diễn song vẫn có những giá trị bất biến theo thời gian. Đó chính là văn hóa dân tộc, là bản sắc, tinh túy được truyền lại từ bao đời. Đoàn đã có một buổi tối giao lưu văn nghệ với các bạn học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Điện Biên để trực tiếp trò chuyện, thưởng thức bầu không khí giàu sắc thái văn hóa địa phương và những làn điệu dân gian truyền thống sinh động và đẹp đẽ nơi đây.

Học sinh Nguyễn Siêu và học sinh Điên Biên hoà chung lời ca điệu múa

Buổi giao lưu càng trở nên ấm cúng và trọn vẹn bởi đó chính là món quà tinh thần vô giá mà gia đình đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Điện Biên Trần Quốc Cường - nguyên là cha mẹ học sinh, cựu giáo chức Trường Nguyễn Siêu - dành tặng thầy trò nhà trường.

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Điện Biên tặng Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ thu nhỏ cho Đại tá - NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh

Đại tá - NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh và học sinh các dân tộc của Trường PTDTNT tỉnh Điện BIên 

Sáng Chủ nhật, 15/10, đoàn tiếp tục hành trình đến Mường Phăng, dâng hương tại nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp; tham quan, học tập lịch sử tại di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ nằm trong một khu rừng nguyên sinh tại địa phận xã Mường Phăng, cách thành phố Điện Biên Phủ 25 km về phía đông. Đây là nơi làm việc của các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái… 

Kết thúc chuyến tham quan Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ trong buổi sáng, đoàn di chuyển về Hà Nội, khép lại một chuyến đi đầy ắp kỷ niệm. 

Đoàn đặt chân trở lại sân trường Nguyễn Siêu vào 20h15 tối, sau một chuyến đi dài song tất cả các thành viên đều vui vẻ, khỏe mạnh. Những tờ giấy chứng nhận tham gia chuyến đi được trao cho các con học sinh và các thầy cô giáo, lưu giữ một hành trình ý nghĩa và thật đáng nhớ.

  • Hành trình Điện Biên đã đem tới nhiều trải nghiệm chung và những cảm nhận riêng cho mỗi thành viên trong đoàn. Sự hi sinh của các anh hùng, liệt sĩ nơi đây đã hóa thành bất tử. Trời xanh vĩnh viễn ở lại trong đáy mắt những người nằm xuống cho xứ sở, quê hương. Bầu trời Điện Biên mùa thu này cũng biếc xanh và bát ngát trên những quả đồi một thời là "tập đoàn cứ điểm" và cánh đồng Mường Thanh huyền thoại. Bên dưới bầu trời hòa bình ấy, là lớp lớp cháu con mãi mãi biết ơn, tự hào về bao thế hệ đã hiến dâng tuổi xuân - đời xanh cho Tổ quốc, khâm phục những sáng tạo độc đáo, nỗ lực phi thường của quân và dân ta cho độc lập - tự do của dân tộc. Lịch sử bi hùng chính là động lực thúc đẩy mỗi học trò Nguyễn Siêu mạnh mẽ vươn ra biển lớn, tự tin khẳng định bản thân như những người con đất Việt bản lĩnh, kiên cường lập thân, lập nghiệp và hội nhập vững vàng trong thời đại mới, viết tiếp những kỳ tích "lừng lẫy năm châu" vì "Khát vọng Việt Nam hùng cường".

  • ===========

    TIN LIÊN QUAN:

>>> Trên hành trình kết nối yêu thương (1)

>>> Trên hành trình kết nối yêu thương (2)

>>> Trên hành trình kết nối yêu thương (3)

>>> Hành trình kết nối yêu thương và những điều còn mãi

>>> 80 tấn xi măng ủng hộ "Con đường em tới trường" xã vùng cao Mù Cang Chải

>>> Tháng Ba biên giới - Nguyễn Siêu thực hiện lời hứa với Sìn Hồ

>>> Trên đá tai mèo, giữa những đám mây...

>>> Mang hơi ấm tới mảnh đất "phên dậu" của Tổ quốc

>>> Quyên góp ủng hộ “Vì miền Trung ruột thịt”

>>> Trường Nguyễn Siêu trao tặng ngành Giáo dục Quảng Trị 1 tỉ đồng

>>> Thêm một chuyến xe yêu thương từ Nguyễn Siêu đến Châu Quế Hạ